Với mục tiêu xây dựng Khu du lịch Hải Hòa của huyện Tĩnh Gia thành Trung tâm dịch vụ công cộng, khu nghỉ mát, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, tháng 7-2003, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 2416/QĐ-CT phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch này.
Theo đó, diện tích quy hoạch lên tới 85ha, bao gồm các công trình công cộng (trường học, trạm xá…), khu khách sạn, nhà nghỉ, khu công viên cây xanh, bãi tắm, dịch vụ ven biển; xây dựng nhà ở, khu dân cư, hệ thống điện nước, vệ sinh môi trường, hệ thống đường giao thông kết nối với quốc lộ 1A…
Bản quy hoạch chi tiết sau đó được công bố rộng rãi; người dân xã Hải Hòa kỳ vọng vào Dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế, văn hóa cho địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai Dự án, UBND huyện Tĩnh Gia khi được giao làm chủ đầu tư đã thực hiện “không đến nơi đến chốn”.
Cụ thể, ngày 13-1-2010, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia khi đó là ông Đào Trọng Quy (ông Quy hiện là Chủ tịch TP. Thanh Hóa) ký Quyết định số 67/QĐ-UBND phê duyệt phương án đấu giá toàn bộ các lô đất đã được quy hoạch theo phân khu trong Khu du lịch nghỉ mát biển Hải Hòa. Chỉ tính riêng tại thôn Đông Hải, xã Hải Hòa được phân thành 14 lô đất bán đấu giá, mỗi một lô rộng 2.400m2. Sau đó nhiều hộ dân chưa được GPMB (trong đó có gia đình thương binh, CCB Nguyễn Bá Hơn) và một số vị trí lô đất chưa có mặt bằng sạch nhưng chính quyền huyện Tĩnh Gia đã tổ chức bán đấu giá 8,4 tỷ đồng/lô. Tháng 7-2010, các nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và ông Đào Trọng Quy khi đó đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người trúng đấu giá.
Điều đáng nói, tiền thu được từ đấu giá nhưng không thấy đầu tư vào hạ tầng Khu du lịch là bao, trong khi Khu tái định cư cho những hộ dân thuộc diện GPMB thì làm dở dang, gây bức xúc nhiều năm nay.
Trao đổi với PV, CCB, thương binh Nguyễn Bá Hơn, cho biết: Gần 14 năm qua, do nằm trong quy hoạch nên nhà cửa không được sửa sang, hơn 10 con người trong gia đình ông phải sống tạm bợ trong căn nhà chật hẹp để chờ đợi đền bù. Tiền đền bù chưa nhận nhưng vừa qua, có người đến trưng sổ đỏ đòi đất, gia đình mới biết đất nhà mình đã bị bán từ năm 2010 cho người khác.
Nói về nguồn gốc đất, CCB Nguyễn Bá Hơn cho biết: Năm 1975, gia đình ông được cấp 1.500 m2 đất thổ cư tại thôn Đông Hải. Sau đó thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong khai hoang phục hóa, quai đê lấn biển, gia đình khai hoang thêm khoảng 5.000m2 đất ven biển và tiến hành trồng hàng nghìn cây phi lao chắn gió (khoảng 2.000 cây). Đến khi Dự án Khu du lịch triển khai, UBND huyện Tĩnh Gia đã tiến hành kiểm kê số cây, rồi thu hồi đất, một phần cho làm đường, một phần giao cho người trúng đấu giá xây khách sạn mà không đền bù tiền cây cối.
“Bao năm nay tôi kiến nghị về giá đất đền bù, kiến nghị cấp đất tái định cư theo diện gia đình chính sách mà chưa được giải quyết. Giờ bàn giao đất cho người trúng đấu giá, hơn 10 thành viên trong gia đình chắc phải căng bạt ra đường để ở” - CCB Hơn than thở.

“Mớ bòng bong”... cần sớm tháo gỡ
Được biết, Khu du lịch Hải Hòa hiện nay vẫn còn hoang sơ, hạ tầng ngổn ngang, manh mún, “không chỗ nào xắt thành miếng”. Đặc biệt, tuyến đường dẫn vào Khu du lịch đi từ quốc lộ 1A vào, được quy hoạch mặt cắt nền đường rộng 25m; có dải hành lang, cây xanh 7m và chỉ giới xây dựng lên tới 53m. Tuy nhiên, con đường này hiện nay vẫn lởm chởm đất đá, ổ voi, ổ gà nhiều không đếm xuể. Dọc hai bên đường nhiều đoạn chưa được GPMB; hệ thống cống rãnh đoạn làm đoạn không, ống cống vứt chỏng chơ bên vệ đường. Nhiều gia đình nằm trong hành lang mở đường có nhà cần sửa, xây mới không được làm. Không những thế, Khu tái định cư người dân “chê” do đất san nền lẫn đất bãi tha ma, không ai dám nhận đất nền nên chính quyền huyện lại thừa cơ “tấu” lên tỉnh cho tổ chức bán đấu giá. Hiện khu đất sau khi bán đấu giá, chưa một hộ dân nào xây nhà ở, vẫn để hoang, nhiều người “tận dụng” chăn thả trâu bò…
Ông Nguyễn Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Hải Hòa thẳng thắn thừa nhận: Dự án do UBND huyện Tĩnh Gia làm Chủ đầu tư có nhiều phức tạp, bất cập. Điển hình là việc GPMB chưa sạch nhưng huyện đã tiến hành đấu giá đất, thu tiền. Khiếu nại của dân giải quyết không triệt để, khiến người dân bức xúc, trong đó kể đến gia đình hộ ông Nguyễn Bá Hơn.
Theo ông Đường thì nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm cho hộ ông Hơn là bởi Bản đồ 299 của xã Hải Hòa xác định diện tích nhà ông Hơn là 1.500m2 đất thổ cư. Tuy nhiên, theo hồ sơ đất đai thì diện tích đất này được hình thành sau năm 1985, nên khi lập phương án đền bù, UBND huyện Tĩnh Gia chỉ áp giá đền bù cho ông Hơn là 200m2 đất ở, còn lại là tính giá đất vườn liền kề. Trong khi đó theo đơn của gia đình ông Hơn trình bày và khu dân cư xác nhận thì đất nhà ông Hơn được giao trước năm 1980.
“Nếu thống nhất được nguồn gốc đất có trước năm 1980, phương án bồi thường không phải là 200m2 đất ở, mà là toàn bộ diện tích 1.500m2 đất thổ cư hiện tại. UBND xã tổ chức nhiều buổi họp dân, tuy vậy vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Trong buổi lấy ý kiến gần đây nhất, hầu hết mọi người dân xác nhận là đất gia đình ông Hơn sử dụng trước năm 1980. Nhưng đây chỉ là một căn cứ xác định chứ không phải quyết định cuối cùng” - ông Đường nói.
Liên quan đến Dự án, ông Đường cũng chỉ ra quá trình triển khai còn có nhiều điều bất cập. Thứ nhất, chưa bố trí tái định cư cho người dân mà cứ thúc người dân bàn giao mặt bằng thì người dân ở đâu? Thứ hai, Khu tái định cư trước đây đã được bố trí, nhưng đơn vị san lấp mặt bằng lại lấy đất mồ mả để san nền, khiến người dân không ai muốn nhận đất tái định cư đó. Do không ai chịu nhận đất tái định cư có lẫn đất mồ mả, nên huyện lại xin tỉnh cho bán đấu giá khu đất tái định cư. Chính vì thế, đến giờ vẫn chưa bố trí được đất tái định cư cho ông Hơn...
Bài và ảnh: Doanh Chính - Hoàng Thanh