Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam: Dự án trang trại… “thổi bay” nhiều ngôi mộ cổ?!
“Dự án… 2 tỷ…”
Theo phản ánh của người dân, “Dự án trang trại trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả có giá trị kinh tế vườn, rừng kết hợp” của hộ ông Nguyễn Đình Lợi (trú tại thôn Lầy, xã Liêm Sơn) được thực hiện tại khu vực núi Đụn - Tam Bố - núi Ngang (thuộc thôn Lầy và thôn Nghè Thượng, xã Liêm Sơn) và khu vực núi Non (thuộc thôn Non, xã Thanh Lưu) với diện tích gần 14,3ha.
Đề án này của ông Lợi nhằm mục đích tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng tập trung trên cơ sở thâm canh tăng năng suất cây trồng, giữ gìn môi trường sinh thái trong sạch, bền vững; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm của nhân dân.
Dự án được lập từ năm 2013 và được UBND xã Liêm Sơn, UBND xã Thanh Lưu, Phòng NNPTNT, Phòng TNMT huyện Thanh Liêm và UBND huyện Thanh Liêm phê duyệt. Tổng dự toán đầu tư cho Dự án khoảng… 2 tỷ đồng.
Theo quy hoạch mặt bằng Dự án sẽ tiến hành xây nhà kho, nhà bảo vệ, nhà ở công nhân khoảng 540m2; sân phơi 360m2; khu vực trồng cây ăn quả 50.862m2; khu vực trồng cây lấy gỗ 86.451m2 và đường chia lô kết hợp vận chuyển rộng 5m khoảng 4.765m2. Số lao động cho nhu cầu của Dự án này khoảng 15 người.
Dự án cũng “vẽ ra” viễn cảnh là trồng các loại cây keo lai, bạch đàn; cây gỗ sưa, gụ, lim, lát, xoan, xà cừ và cây ăn quả như cam Bố Hạ, bưởi Diễn, na, hồng Nhân Hậu, ổi, xoài, hồng xiêm, mận… để phục vụ thị trường trong tỉnh, đặc biệt là thị trường Hà Nội!
Về hiện trạng đất, Đề án nêu là đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp 5% do UBND xã quản lý. Những năm 2009-2010, UBND hai xã Liêm Sơn và Thanh Lưu giao cho các hộ dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp. Riêng đất 5% do UBND xã quản lý không thấy Đề án nhắc đến là đất gì? Trong khi thực tế đất 5% này có rất nhiều mồ mả của nhân dân thôn Lầy và Nghè Thượng.
Dân phải dời mộ, lăng tẩm của chủ Dự án… giữ nguyên!
Gặp nhóm PV từ Hà Nội về tìm hiểu, cụ Đỗ Thị Sự - người dân thôn Nghè Thượng đau đớn chỉ về ngôi mộ nằm giữa vũng nước đục, lọt thỏm trong công trường rộng lớn và bức xúc nói: “Dù nghèo, dù đói phải đi làm khắp nơi nhưng gia đình tôi không bao giờ để mộ chị tôi phải lạnh. Ấy vậy mà, mấy ngày vừa qua, tôi vô cùng hốt hoảng khi nghe tin nơi an nghỉ của người thân đang bị nhấn chìm bởi “biển đất”. Các anh xem, phần mộ còn nguyên vết múc đào, nằm lọt thỏm giữa hố sâu đầy nước đây này!”.
Còn CCB, thương binh 3/4 Đỗ Văn Nghĩa (sinh sống ở tỉnh Sơn La) nghe tin phải di dời mộ bà nội đã tức tốc về xem sự tình. “Khi tôi về tới nơi thì mộ cụ Phạm Thị Tẹo (là bà nội CCB Đỗ Văn Nghĩa) đã bị di dời đi nơi khác mất rồi. Tôi đau xót lắm nhưng không biết làm thế nào. Ở nhà, các cháu nó nhận hơn 13 triệu đồng và di dời 2 ngôi mộ của các cụ đi nơi khác” - CCB Nghĩa đau xót nói.
Trong khi đó ông Đoàn Văn Khởi (Văn Chương, Hà Nội) thì cho hay: Khu mộ Tổ họ Đoàn ở gò Mả Vợ chưa có bất cứ sự thỏa thuận nào đã bị người ta cho máy xúc đào xới xâm hại nghiêm trọng. Nhiều ngôi mộ bị đơn vị thi công tự ý chuyển đi nơi khác. Như thế là vi phạm pháp luật, xâm hại mồ mả của người dân và quyền tự do tín ngưỡng của cả một dòng tộc?
Theo ông Đỗ Văn Thực - thôn Nghè Thượng phản ánh: Trong những năm qua, ông Nguyễn Đình Lợi đã tiến hành một cuộc thu mua đất nông nghiệp, đất giao khoán với quy mô lớn xung quanh xã Liêm Sơn, Thanh Lưu… “Khi triển khai dự án quá nhanh khiến chúng tôi trở tay không kịp. Bây giờ đất đổ khắp nơi, có nơi cao hơn 2m so với trước đó khiến nhiều ngôi mộ chìm xuống, gây khó khăn cho việc chuyển mộ. Trong đó, có ngôi mộ Tổ của dòng họ Đỗ chúng tôi đã an táng hơn 300 năm, dòng họ phải xây tôn cao, hết hơn vạn viên gạch để không bị ngập. Đến đầu tháng 12-2016, khi vấp phải phản ứng của người dân thì chính quyền xã và Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện Thanh Liêm mới tiến hành thông báo về Dự án”!
Theo Văn bản số 40/SNN-KL ngày 31-1-2013 của Sở NNPTNT Hà Nam thì, chủ Dự án khi triển khai phải thực hiện theo đúng mục tiêu, mục đích và không đào bới mất tầng kết cấu đất trong khu vực Dự án, đảm bảo đúng mật độ trồng cây. Thế nhưng, ghi nhận của PV, từ khi triển khai, Chủ dự án cho múc đất làm đường và đổ đất lấp khu vực đất nghĩa trang, vây những mồ mả chưa di dời. Nhưng có điều lạ, chính khu vực đất của Dự án, còn có khu lăng tẩm nguy nga tráng lệ không thấy di dời và bản thân nhà ông Lợi, còn có lăng tẩm diện tích hàng trăm mét vuông, được làm bằng các cột đá cao vài mét, mái được xây, giật thành 3 cấp lại không bị di dời. Phía trước cửa khu lăng tẩm này còn được đào thành hồ nước lớn, sâu hàng chục mét?!
Trả lời về vấn đề trên, ông Lê Hải Đăng-Chủ tịch UBND xã Liêm Sơn cho biết, trong thôn có 23 hộ dân có mộ trong Dự án nhưng chỉ còn một vài hộ chưa nhận đền bù để di dời. “Có một số mộ ở thôn Lầy ở trên gò, chúng tôi đã mời các gia đình họp giải quyết nhưng không thỏa thuận được. Đơn vị thi công làm thủ tục thăm tìm nhưng người dân không hợp tác nên để kịp tiến độ họ phải thực hiện di dời” - ông Đăng nói.
Ông Đăng cũng xác nhận: “Việc Chủ dự án tự ý đổ đất trước khi có quyết định thu hồi đất là có. Chủ Dự án làm sai thì phải chịu trách nhiệm”.
Liên quan đến dự án trồng cây ăn quả, cây lâu năm nhưng lại được chủ Dự án xây dựng lăng tẩm, đào hồ (tạo phong thủy? - PV), ông Đăng cho hay chưa nắm được và cũng không biết xử lý thế nào?. Đặc biệt, Dự án này không biết tầm quan trọng đến đâu, có uy lực nào mà UBND tỉnh Hà Nam phải ra văn bản xin ý kiến Bộ quốc phòng điều chỉnh 8,53ha đất rừng nằm trong Quy hoạch ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng theo Quyết định 2412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để… cho Dự án trang trại của ông Lợi thực hiện trồng cây?
Bài và ảnh: Chính Nhi