Hiện nay, huyện Quảng Ninh có 3.660 người tàn tật, 23 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi... Để giúp những đối tượng này giảm bớt khó khăn, từ năm 2012 đến nay, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện phát động xây dựng Quỹ với số tiền là 278 triệu đồng để hỗ trợ, thăm, tặng quà và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người tàn tật. Bên cạnh đó, với tinh thần “tương thân tương ái”, Hội còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước như: Chùa Già Lam Thiện Sanh, T.P Biên Hòa, Hội Thiện Nguyện Quảng Bình, bạn đọc Báo Vietnamnet, dự án Zhishan Foundation (Đài Loan), Quỹ “Bảo trợ trẻ em” tỉnh Quảng Bình... 5 năm qua, Hội phối hợp với phòng, ban liên quan và các tổ chức nhân đạo từ thiện tặng 150 chiếc xe lăn và nhiều dụng cụ cho người tàn tật. Đến nay, trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu về xe lăn cho các đối tượng tàn tật hệ vận động.
Điều đáng ghi nhận là được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quỹ “Bảo trợ trẻ em Việt Nam” và Tổng công ty lương thực miền Bắc, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Quảng Ninh tiếp tục duy trì hoạt động với 100 em, chủ yếu là khuyết tật hệ vận động, phục hồi chức năng tại trung tâm và tại cộng đồng. Các em được đội ngũ kỹ thật viên hướng dẫn luyện tập bằng phương pháp vật lý trị liệu với sự hỗ trợ của trang thiết bị nên có sự tiến triển tốt, bình quân mỗi năm có 3.600 lượt em đến phục hồi chức năng tại Trung tâm, tỷ lệ phục hồi đạt 25% và cứ 2 năm Trung tâm phối hợp khám sàng lọc những trẻ phục hồi tốt cho hòa nhập cộng đồng và chọn trẻ khác vào thay thế. Hằng năm, Hội Bảo trợ tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành trong việc lựa chọn những đối tượng học nghề khi có các lớp đào tạo nghề cho người tàn tật, tạo điều kiện cho người tàn tật có việc làm phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, toàn huyện có 2.206 người tàn tật và 23 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Hội còn phối hợp với Phòng GDĐT, Phòng LĐTBXH và các tổ chức, đoàn thể, trong đó có vai trò đắc lực của các cấp Hội CCB động viên, tổ chức cho 111 trẻ em khuyết tật được học tập ở các cấp học, tạo điều kiện cho các em hòa nhập cộng đồng, học tập, vui chơi bình đẳng như những trẻ bình thường.
5 năm qua, huyện Quảng Ninh phối hợp với UBND các xã đưa 3 trẻ em mồ côi, khó khăn về Làng trẻ SOS Đồng Hới nuôi dưỡng, chăm sóc. Như vậy đến nay, huyện có 16 em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại Làng... Những việc làm thiết thực đó tiếp thêm sức mạnh để người tàn tật tự tin, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu như anh Lê Ngọc Tuấn ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, bị liệt 2 chân nhưng mở cơ sở dạy máy vi tính và cơ sở làm bánh gai, không những đưa lại nguồn thu nhập khá mà còn giải quyết việc làm cho 5 lao động. Chị Phan Thị Quy ở thôn Hàm Hòa, xã Hàm Ninh bị tàn tật hệ vận động, đi lại khó khăn nhưng vẫn mở được dịch vụ tạp hóa và chăn nuôi có thu nhập ổn định. Anh Phạm Văn Phong ở thôn Phú Vinh, xã Duy Ninh bị liệt 2 chân nhưng làm chủ một xưởng gò hàn và tạo việc làm cho 3 lao động địa phương. Anh Trần Văn Nam ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh bị mất tay vẫn mở được trang trại nuôi trồng thủy sản. Anh Lê Trường Giang ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh bị vôi hóa cột sống, đi lại khó khăn nhưng vẫn miệt mài tạc tượng, sáng tác tranh gạo, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và anh vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi tiêu biểu toàn quốc lần thứ V. Ngoài ra, nhiều người tàn tật khác đã có nghề hoặc làm chủ các cơ sở sản xuất nhỏ, như: làm mộc, may, đan lát, dịch vụ buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương.
Chung tay chăm lo giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi là thể hiện trách nhiệm, lòng nhân ái của cộng đồng và toàn xã hội. Các hoạt động trợ giúp, chăm sóc và chia sẻ về vật chất, tinh thần mang tính nhân văn sẽ giúp người tàn tật, trẻ em mồ côi nâng cao chất lượng cuộc sống, có thêm động lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Ngọc Khang