Huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh: “Mật ong hóa thành mật đắng”? (10/05/2013)
Chuyện… từ con ong!
Ngày 10-4-2013, bà Hồng vận chuyển 600 đàn ong, có giấy phép do tỉnh Lâm Đồng cấp và Hiệp hội ong Việt Nam chứng nhận, cơ quan chức năng kiểm định đủ điều kiện lưu hành về tập kết tại vườn tràm xóm 11, xã Phúc Đồng, bên cạnh đường Hồ Chí Minh để phát triển nghề nuôi ong. Thế nhưng, bà Hồng lại bị vấp phải sự cản trở từ phía chính quyền và một số người dân ở xã Phúc Đồng đòi buộc phải di dời đàn ong, nếu không sẽ bị cưỡng chế, tiêu hủy với lý do ong phá hoại cây trồng, lúa, hoa màu của nhân dân….
Tiếp nhận được thông tin chủ nuôi ong bị “khó dễ”, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Học và ông Nguyễn Văn Long, là Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ và một số nhà nuôi ong để tìm hiểu thực hư đàn ong gây hại và có lợi ra sao. Ông Học cho biết: Xưa nay huyện miền núi Hương Khê nói riêng, Hà Tĩnh nói chung đã có tập quán nuôi ong lấy mật từ lâu. Hàng trăm, hàng ngàn hộ dân đã tiếp cận phát triển đàn ong cho hiệu quả kinh tế cao, ít nhất hộ vài chục đàn, nhiều thì hàng trăm đàn. Thu nhập mỗi năm đạt từ 50-100 triệu đồng. “Thực sự nuôi ong những năm qua đã góp phần xóa đói giảm nghèo và thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh còn có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển nuôi ong lấy mật. Các điển hình tiên tiến trong nuôi ong sau đó xuất hiện rất nhiều, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao và thường xuyên tổ chức cho nhân dân tham quan nhân rộng các mô hình nuôi ong trên cả tỉnh”, ông Học cho hay.
Nói về giá trị của con ong cho mật, ông Nguyễn Văn Long phân tích: “Con ong nuôi lấy mật có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít bệnh tật, đặc biệt không phá hoại cây trồng lúa và hoa màu, vả lại nó còn tham gia diệt các loại côn trùng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người và cây trồng tạo ra môi trường sinh thái lành mạnh đối với đời sống con người”.
Con ong có lợi là vậy, tuy nhiên, về phía lãnh đạo xã Phúc Đồng không hiểu sao lại đưa ra “thông điệp” cảnh báo bà Hồng, buộc bà phải di dời đàn ong? Bà Hồng đã phải làm đơn cầu cứu gửi lãnh đạo UBND huyện Hương Khê, đồng thời tố cáo những cán bộ, lãnh đạo xã Phúc Đồng “non kém, phát ngôn thiếu trách nhiệm làm náo động lòng dân, cho dân phá hủy đàn ong, gây thiệt hại kinh tế cho bà Hồng”.
Đến… đôi bên ứng xử ngược lẽ đời!
Chứng kiến 600 đàn ong nằm ở dưới vườn tràm cạnh nhà anh Tuấn, xóm 11, xã Phúc Đồng khi đó còn có mặt các ông Đặng Duy Vinh, Phó chủ tịch UBND xã; Phan Hồng Nhật, Phó trưởng Công an xã và bà Hồng, cùng những người làm công chăm sóc, trông giữ đàn ong cho bà Hồng, cán bộ xã Phúc Đồng đã lập biên bản khẳng định: Đàn ong nuôi lấy mật của bà Hồng còn nguyên vẹn, được rào bằng dây thép gai. Vị trí đàn ong nằm cạnh cây cầu Long Giang, đường Hồ Chí Minh thuộc xóm 11, xã Phúc Đồng không có dấu hiệu đập phá, hủy hoại như đơn bà Hồng phản ánh”. Biên bản được lập vào hồi 17giờ 15 phút ngày 19-4-2013, còn có chữ ký của bà Hồng.
Theo một lãnh đạo xã Phúc Đồng cho biết: “Do bà Hồng ứng xử thiếu khéo léo, thiếu hợp tác trong việc xử lý vụ việc, ngoại trừ có một số người đòi đập phá, dọa đốt ong của bà mà thôi, chứ chưa xảy ra hậu quả đập phá đàn ong của bà Hồng. Việc bà Phạm Thị Hồng làm đơn cầu cứu gấp gửi lãnh đạo huyện là phản ánh sai sự thật”.
Thực tế, qua xác minh, ong có đậu vào lúa, ngô của nhân dân, bình quân mỗi bông có 15-20 con nên người dân bức xúc có những động thái “ứng xử ngược lẽ đời” - đòi phá huỷ đàn ong.
Tuy nhiên, điều đáng nói khi lãnh đạo xã được các nhà khoa học về ong giải thích ong không có hại đến cây trồng, nhưng họ vẫn buộc bà Hồng phải di dời 600 tổ ong đi nơi khác là không cần thiết. Bởi như thế sẽ gây tổn thất về kinh tế cho bà Hồng cũng như mất nguồn thu nhập cho bà con địa phương từ việc nuôi ong. Khi tiếp cận một số người dân xã Phúc Đồng, hầu hết người dân đều nói: Nuôi ong lấy mật có hiệu quả kinh tế cao, không phương hại cho cây trồng, lúa và hoa màu nếu được lãnh đạo xã tuyên truyền nói rõ cho dân hiểu sớm thì lợi biết mấy!
Xã Phúc Đồng là nơi đất nông nghiệp chỉ canh tác được một vụ cho thu nhập thấp, nên đời sống nhân dân rất khó khăn. Nên chăng, các cấp chính quyền huyện Hương Khê tới xã Phúc Đồng cần có cách nhìn đúng đắn, tuyên truyền vận động nhân dân nuôi ong lấy mật theo hướng đa cây, đa con để phát triển kinh tế từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời qua vụ việc này chính quyền địa phương cần sớm xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại vượt cấp kéo dài, phản ánh không đúng sự thật, gây mất lòng tin, đoàn kết nội bộ ở địa phương.
Bài và ảnh: Đức Đạo, Anh Thi