Huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp: Cần đền bù thoả đáng cho dân khi giải phóng mặt bằng (30/07/2010)

18 hộ dân khiếu nại đều ở tổ 10 ấp 1, xã Thường Phước 1, có đất bị giải tỏa nằm ven tỉnh lộ 841 và lộ Bến Phà (qua Vĩnh Xương, An Giang) cặp theo sông Tiền, cách biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia khoảng 1km. Từ khi tỉnh lộ 841 thi công hoàn thành và có dự án khu dân cư Chợ biên giới, bà con có đất ven lộ và tiếp giáp chợ rất phấn khởi vì có điều kiện làm ăn, buôn bán, phát triển kinh tế gia đình và xã hội, giá trị sử dụng đất sẽ tăng cao. Việc giải phóng mặt bằng vì lợi ích quốc gia được mọi người đồng tình ủng hộ. Song việc khảo sát, xác minh áp giá đền bù đất và tài sản gắn liền với đất của các hộ bị giải tỏa của chính quyền sở tại không chính xác đã xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Sự việc bắt đầu từ ngày 25-10-2004, UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 1949/QĐ-UB phê duyệt phương án đền bù Cụm dân cư 10,6 ha tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự bao gồm: Đền bù thiệt hại về đất, nhà ở, vật kiến trúc, hoa màu, cây lâu năm, mồ mả; hỗ trợ di dời, đời sống, đất tôn nền, cải tạo ao hầm nuôi thuỷ sản và các chi phí khác với tổng số tiền 3 tỷ 458 triệu đồng (lấy tròn) và giao cho UBND huyện Hồng Ngự có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục, tổ chức chi trả đền bù đúng quy định.

Căn cứ vào Nghị định số 188/NĐ-CP, ngày 16-11-2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất, ngày 27-12-2004 UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra Quyết định số 108/2004/QĐ-UB ban hành giá các loại đất trên địa bàn tỉnh tại Điều 11,12 quy định như sau: “... Đất nông nghiệp tiếp giáp với trục lộ giao thông chính, hoặc tiếp giáp với các đường phố của đô thị trong phạm vi 100m, ngoài việc được xác định theo bảng giá đất quy định tại Khoản 1, Điều 12 của quy định này, còn được nhân hệ số 1,5... Trường hợp thửa đất nông nghiệp vừa nằm xen kẽ trong đô thị; vườn, ao, nằm xen kẽ khu vực đất ở nông thôn và tiếp giáp với lộ giao thông, đường phố của đô thị trong phạm vi 100m thì tính theo hạng đất cao nhất của đất trồng cây lâu năm được nhân với hệ số 1,8...”.

Thế nhưng trong quá trình đền bù, Hội đồng BTGPMB huyện Hồng Ngự thực hiện không đúng quy định.

Từ ngày 21-6-2005, Ban BTGPMB thông báo cho các hộ dân nhận tiền đền bù theo Quyết định số 58/2000/QĐ-UB ngày 26-10-2000 của UBND tỉnh Đồng Tháp với giá bất hợp lý, không có quyết định thu hồi đất và bảng chiết tính bồi thường các loại đất, tài sản gắn với đất. Chính quyền địa phương đã bồi thường thiệt hại đồng đều giữa đất thổ cư với đất nông nghiệp và đất mặt tiền ven tỉnh lộ cũng như đất nằm sâu bên trong với giá 20.000đ/m2, trong lúc giá thị trường giữa năm 2005 trên 1,2 triệu đồng/m2 và nay gần 4 triệu đồng/m2. Mặt khác, chính quyền sở tại không thực hiện đúng tiêu chuẩn hoán đổi giữa diện tích đất bị thu hồi với nền nhà tái định cư (TĐC); ví như quy định các hộ ở ven tỉnh lộ có 1.000m2 đất (cách lộ giới trong phạm vi 100m) bị thu hồi thì được bán 3 nền nhà (gồm 1 nền TĐC giá không quá 10 triệu đồng và 2 nền giá không sinh lợi từ 20-25 triệu đồng/nền), nhưng thực tế bà con không được hưởng đầy đủ định suất đó. Hàng nghìn mét vuông đất của cac hộ bị giải tỏa đã được Ban dự án san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền cho người nơi khác đến mua cất nhà. Ngoài ra Ban BTGPMB đền bù các tài sản gắn liền với đất bị giải tỏa như chi phí di dời mồ mả hoa màu, cây lâu năm, ao hầm nuôi cá, các công trình xây dựng… không đúng với giá trị thực tế.

Những điều bất hợp lý đó đã gây bức xúc cho các hộ dân, nhất là việc Ban BTGPMB huyện Hồng Ngự áp dụng một mức giá chung 20.000đ/m2 cho tất cả các vị trí đất bị giải tỏa là trái với quy định của UBND tỉnh và gây thiệt hại lớn cho bà con. Các hộ dân bị giải tỏa đất còn chịu thiệt thòi bởi năm 1999 chính quyền địa phương triển khai Cụm dân cư vượt lũ, mức giá đất đền bù 10.000đ/m2, với điều kiện những hộ bị giải tỏa trắng sẽ được TĐC ngay tại dự án này. Tuy nhiên năm 2001, chính quyền lại thay đổi thành dự án Chợ biên giới, xây chợ, ki-ốt cho tư thương thuê, không thực hiện TĐC cho các hộ bị giải tỏa như đã hứa ở dự án trước, gây bất bình trong nhân dân. Bà con còn khiếu nại về công tác tuyên truyền, giải thích; chính quyền không phổ biến cho dân biết các dự án và quy hoạch đất đai, khi các hộ chậm bàn giao mặt bằng thì dùng biện pháp xử phạt hành chính và cưỡng chế gây bất ổn ở khu dân cư.

Sau khi xác minh thu thập tài liệu, đại diện Báo CCB Việt Nam đã làm việc với một số cơ quan có thẩm quyền của TƯ, kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo huyện Hồng Ngự đền bù thỏa đáng cho các hộ bị giải tỏa. Ngày 28-4-2008, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 478/VP-CTN-PL về việc chuyển đơn thư của công dân gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có đoạn viết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bản sao đơn của ông Lâm Văn Quyết và 18 hộ dân trú tại tổ 10, ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, gửi Phó chủ tịch nước đề ngày 19-2-2008. Nội dung đơn: Ông Lâm Văn Quyết cùng các hộ dân khiếu nại việc thu hồi đất của huyện Hồng Ngự không có quyết định với từng hộ, tự áp đặt giá đền bù và không có quyết định bồi thường.

Trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch chỉ đạo cho xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả cho Văn phòng Chủ tịch nước để báo cáo Phó chủ tịch nước”.

Hơn một năm sau kể từ khi nhận Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước, ngày 6-7-2009 Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp mới có công văn gửi UBND huyện Hồng Ngự yêu cầu tiến hành kiểm tra và báo cáo các trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền của huyện, nhưng đang giải quyết hoặc chưa thụ lý giải quyết, báo cáo UBND tỉnh để tổng hợp và trả lời, thông báo đến Văn phòng Chủ tịch nước theo quy định.

Thế nhưng cho đến nay, các hộ dân khiếu nại việc đền bù, giải tỏa đất ở xã Thường Phước 1 vẫn chưa có hồi âm của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Chúng tôi nhận thấy các hộ dân ở xã Thường Phước 1 thuộc diện quy họach có cuộc sống sống ổn định lâu dài trên mảnh đất đã được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ trước năm 1995. Bà con đã đầu tư, cải tạo khu đất của mình thành những ngôi nhà khang trang, có ao hầm nuôi cá, vườn cây ăn trái quanh năm xanh tốt, là nguồn thu nhập chính đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp họ thoát cảnh nghèo khó. Nay chính quyền địa phương thu hồi đất, đền bù quá thấp, nhiều người không còn nhà cửa, không có đất sản xuất, dẫn tới nguy cơ tái đói nghèo. Hơn nữa xã Thường Phước 1 được tuyên dương Anh hùng LLVTND có truyền thống cách mạng, nhiều gia đình chính sách luôn được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ nay phải chịu cảnh thiệt thòi do cách làm việc tắc trách của chính quyền địa phương trong công tác BTGPMB gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết thỏa đáng, công bằng, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân nơi đây, để họ tự nguyện hợp tác trao trả mặt bằng, thực hiện các dự án đúng tiến độ.

Thiên Vân