Làm phúc… mất đất

Trong đơn gửi Báo CCB Việt Nam, ông Lê Hồng Quý (khu phố An Đào) người được thừa kế thờ cúng hai liệt sĩ (LS) Lê Văn Hộ và Lê Văn Bộ cùng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rạng cho biết: Sau khi sinh được hai con là Lê Văn Hộ và Lê Văn Bộä, đến năm 1936 và 1938, ông bà Lê Văn Viết và Phạm Thị Rạng lần lượt qua đời (khi đấy thị trấn Trâu Quỳ thuộc xã Quang Trung, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh) bỏ lại căn nhà và mảnh đất hơn 700m2 ở khu phố An Đào ngày nay. Vì còn nhỏ nên hai ông Hộ và Bộ được người chú là ông Lê Văn Bao nuôi dưỡng. Đến tuổi trưởng thành hai ông tham gia bộ đội và hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Trong khoảng thời gian dài, nhà đất của hai LS không ai trông coi nên dần trở thành hoanh phế. Sau đó dòng họ Lê cho một người cháu họ là ông Lê Văn Việt ở nhờ và từ đó đến nay ông Việt (đã mất) độc chiếm mảnh đất trên. Hiện tại bà Trần Thị Thắng (vợ ông Việt) đã chia mảnh đất trên cho con cái… Gần đây dòng họ Lê đề nghị gia đình bà Thắng cắt một phần (từ đất cũ của gia đình cụ Viết, Rạng) để xây nhà thờ cho hai LS và mẹ VNAH, nhưng gia đình bà Thắng kịch liệt phản đối. Hiện tại hai LS và mẹ VNAH Nguyễn Thị Rạng vì không có nơi thờ tự riêng nên ông Lê Hồng Quý vẫn phải làm một ban, “ké” vào cạnh bàn thờ bố mẹ ông Qúy…

Chính quyền thị trấn… bó tay?

Theo bà Đặng Thị Luyện (cán bộ địa chính thị trấn Trâu Quỳ), nguồn gốc mảnh đất gia đình bà Thắng đang ở, tại bản đồ năm 1973 (không có sổ lập kèm), có số thửa là 157, diện tích 740m2-nhưng không có tên chủ sử dụng. Còn bản đồ 1985 (có sổ mục kê đi kèm) mang tên ông Lê Văn Việt. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi đến nguồn gốc mảnh đất (là đất cha ông để lại hay chính quyền cấp cho hộ ông Việt) thì bà Luyện chỉ cung cấp được 1 phiếu xin đăng ký quyền sử dụng đất (đề ngày 4-6-1985) diện tích sử dụng 918m2, trong đó có 722m2 được chú thích là “đất ông bà để lại”. Tờ phiếu này chỉ có 1 chữ ký (không đề tên) và cũng không có dấu xác nhận của chính quyền. Hiện tại mảnh đất trên chỉ có từng ấy loại giấy tờ; còn về xa xưa, chúng tôi không nắm được-Bà Luyện nói

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Hoán, Phó chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ cho biết: Trước đây hai LS Hộ và Bộ cùng mẹ VNAH Phạm Thị Rạng được thờ ngay trụ sở UBND thị trấn; khi ông Lê Hồng Quý được xác định là người thừa kế thờ cúng, bàn thờ được đưa về tư gia của ông Quý. Sau đấy dòng họ Lê cũng đã có đơn đề nghị để chính quyền can thiệp, xin lại một diện tích nhỏ (trong số đất gia đình bà Thắng đang sử dụng); chúng tôi đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng phía gia đình bà Thắng không chấp thuận.... Ở cấp phường xã, chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì phải cấp trên mới đủ thẩm quyền xử lý…

Nhiều bậc cao niên ở khu phố An Đào đều thừa nhận: Đất gia đình bà Thắng đang ở là của gia đình cụ Lê Văn Viết và Phạm Thị Rạng. Còn phía gia tộc họ Lê thì đều cho rằng, ông Việt và bà Thắng cũng có đất nhưng khi đi kinh tế mới ở tỉnh Lâm Đồng đã bán cho người khác. Sau khi quay về, dòng họ cho ở nhờ mảnh đất của cụ Lê Văn Viết và Nguyễn Thị Rạng; ông Việt, bà Thắng đã “đóng đô” cho đến nay. Phía bà Thắng thì cho rằng mảnh đất trên do gia đình mua lại của ông Pháo (một người trong gia tộc họ Lê) từ năm 1970, nhưng không có giấy tờ…

Coi thường và vô cảm!

Ngày 4-9-2013, UBND huyện Gia Lâm đã có Văn bản số 818 trả lời ông Lê Hồng Quý và ông Lê Đức Giang (đại diện gia tộc họ Lê) như sau: “Việc ông Quý, ông Giang đề nghị UBND huyện buộc gia đình bà Trần Thị Thắng trả lại 200m2 đất tại tổ dân phố An Đào để ông Quý sử dụng làm nhà thờ liệt sĩ là chưa đủ cơ sở xem xét giải quyết vì: Ông Lê Hồng Quý và ông Lê Đức Giang không cung cấp được tài liệu chứng minh việc gia đình ông Lê Xuân Việt và bà Trần Thị Thắng ở nhờ tại đây. Gia đình bà Trần Thị Thắng đã thực hiện đăng ký kê khai sử dụng đất, có tên trong hồ sơ địa chính do UBND thị trấn Trâu Quỳ lưu giữ, là người thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước”.

Trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam, ông Lê Hồng Quý cho rằng: Cách trả lời của UBND huyện Gia Lâm là… vô cảm bởi khi đưa ra văn bản nói trên, UBND huyện chỉ căn cứ vào ý kiến của ông Quý, ông Giang, ông Nguyễn Ngọc Tuyên và ông Nguyễn Đình Tuấn (ông Tuấn được bà Thắng ủy quyền) và hồ sơ địa chính của thị trấn, mà không có xác minh lời khai của các nhân chứng, không xác minh lại nguồn gốc đất của gia đình LS, nguồn gốc đất của gia đình ông Việt, bà Thắng. Việc UBND huyện bắt chúng tôi cung cấp tài liệu chứng minh việc gia đình ông Việt, bà Thắng ở nhờ là đánh đố chúng tôi. Chuyện coi thường hai liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc của UBND huyện Gia Lâm còn thể hiện ở ngay trong văn bản nói trên khi viết rằng: “Khoảng năm 1949, ông Lê Văn Bộ đi bộ đội và chết năm 1950. Năm 1950, ông Lê Văn Hộ đi bộ đội và chết năm 1952…”. Tôi là người dân bình thường nhưng cũng không dám nói là người đi bộ đội chết mà phải dùng từ hi sinh; không hiểu vì ý gì mà UBND huyện Gia Lâm lại dùng từ “chết” với hai LS của dòng họ Lê - ông Quý bức xúc.

Lê Thanh