Huyện Gia Lâm – Hà Nội: “CÁNH BUỒM XANH” XẺ THỊT ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Ký sai thẩm quyền
Tháng 12/2003, UBND huyện Gia Lâm có quyết định phê duyệt phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu vực Cánh Buồm, xã Ninh Hiệp. Sau đó, UBND xã Ninh Hiệp tổ chức đấu thầu, người trúng thầu là ông Lý Duy Thành (em trai ruột của ông Lý Duy Thanh, hiện là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm).
Tiếp đến, ngày 11/8/2004, UBND xã Ninh Hiệp đứng ra ký Hợp đồng số 191/HĐ-UB cho ông Lý Duy Thành thuê khu đất Cánh Buồm, thời hạn 5 năm. Mục đích của việc thuê đất là phát triển kinh tế VAC như: đào ao thả cá, trồng cây cảnh, cây ăn quả...
Dựa trên Tờ trình của UBND xã Ninh Hiệp, ngày 04/3/2010, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 478/QĐ-UBND về việc cho phép chủ đầu tư bổ sung phương án “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu vực Cánh Buồm”. Đến ngày 10/3/2010, UBND xã Ninh Hiệp đứng ra ký tiếp Hợp đồng số 85A/HĐ cho ông Lý Duy Thành thuê khu đất Cánh buồm với thời hạn 5 năm/lần đấu thầu lại.
Việc UBND xã Ninh Hiệp đứng ra ký hợp đồng cho ông Thành thuê đất là trái thẩm quyền theo Điều 37, Luật Đất đai năm 2003 quy định rõ: UBND xã, phường, thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Luật cũng nhấn mạnh, UBND các cấp không được ủy quyền trong việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Dự án Cánh buồm xanh là dự án phát triển kinh tế trang trại, không phải dự án công ích, do vậy việc UBND xã đứng ra ký hợp đồng trong trường hợp này là trái thẩm quyền.
Điều bất thường nữa là ngày 04/3/2010, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 478, đến ngày 15/3/2010, UBND xã Ninh Hiệp mới nhận được quyết định và UBND xã đã đứng ra ký hợp đồng cho ông Thành thuê trước khi nhận được quyết định 5 ngày.
Xây dựng sai phép
Tại khoản 6, Điều 1, Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 04/3/2010 của UBND huyện Gia Lâm chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng các hạng mục gồm: nhà bảo vệ (20m2), nhà quản lý điều hành (100 m2), nhà giới thiệu sản phẩm của trang trại (200m2), nhà kho chứa vật tư, dụng cụ sản xuất kinh doanh của trang trại (35m2), nhà nghỉ tạm dành cho người lao động (50m2), nhà kính trồng hoa (200m2), sân phơi (50m2), diện tích đường giao thông nội bộ (3.200m2), diện tích nuôi thả cá (20.000m2), diện tích trồng cây (8.776m2)…
Tuy nhiên, hiện trạng khu đất đã bị “biến tướng”, “xẻ thịt” một cách nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã cho xây hàng loạt chòi ăn, nhà hàng, nhà tập thể thao, dựng tượng… Khu nhà giới thiệu sản phẩm của trang trại bị “biến” thành ki-ốt bán quần áo, túi xách, tạp hóa…
Khảo sát của phóng viên Báo CCB Việt Nam ngày 16/4 cho thấy chủ đầu tư còn cho xây dựng một dãy nhà kiên cố được chia làm 15 ô nằm ngay “mặt tiền” của dự án, mỗi ô có diện tích từ 10 – 15m2. Trong số các ô này đang được cho thuê bán cà phê, bi-da…
Nghiêm trọng hơn, chủ đầu tư còn cho các công ty viễn thông thuê cột, trạm BTS dựng sừng sững giữa khu đất với giá thuê gần 100 triệu đồng/năm.
Rõ ràng, những công trình trên không hề nằm trong các hạng mục được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các hạng mục kiên cố, được xây dựng trong thời gian dài giữa “thanh thiên bạch nhật” đã làm cho dự án biến tướng từ phát triển mô hình kinh tế trang trại thành điểm kinh doanh “thập cẩm”.
Huyện, xã cố tình bao che
Sai phạm rõ ràng và nghiêm trọng như vậy nhưng trong Báo cáo số 138/BC-UBND của UBND xã Ninh Hiệp do ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch UBND xã ký lại phủ nhận hoàn toàn sự việc trên. UBND xã cho rằng: Họ ký hợp đồng cho thuê khu đất Cánh Buồm là đúng thẩm quyền; việc 2 cháu bé chết đuối tại dự án Cánh buồm xanh không có đơn thư khiếu kiện; bức tượng đặt tại dự án là “một bác nông dân tay cầm bông lúa chỉ ra cánh đồng”, không thờ cúng, không có chú thích và không ảnh hưởng đến người ra vào; bên cạnh dự án Cánh buồm xanh có dự án Khu sinh thái Minh Thu cũng xây dựng tương tự nhưng không thấy báo chí phản ánh…
Tiếp đến, ngày 10/4/2014, Huyện ủy Gia Lâm có Công văn số 548-CV/HU do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Trịnh ký tiếp tục khẳng định: “Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, Khu sinh thái Cánh buồm xanh luôn chấp hành tốt theo quy định hiện hành”.
Trao đổi với phóng viên; ngày 16/4/2014, ông Nguyễn Văn Trịnh cho biết: “Nội dung ông Thanh dựng tượng bố trong trang trại, ai chẳng muốn thể hiện tình cảm với bố mẹ mình, nhưng tôi bảo đưa về nhà, để đấy dư luận người ta nói cho và ông ấy đã đưa tượng về nhà rồi”.
Trong Văn bản số 548-CV/HU, ông Trịnh khẳng định dự án “chấp hành tốt theo quy định hiện hành”. Về việc này, ông Trịnh phân bua: “Tôi cũng chỉ dựa vào báo cáo của xã gửi lên thôi, còn thẩm tra lại thì phải Phòng Kinh tế của UBND huyện” (?!).
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Lý Duy Thanh cho biết: “Dự án Cánh buồm xanh, em trai tôi thì rất say sưa, còn tôi thì yêu thiên nhiên, anh em nhà tôi làm kinh tế ở Ninh Hiệp rất khá. Thực ra tôi cũng có qua lại dự án, anh em với nhau mà. Ở đấy có nhà hàng ăn uống, cưới xin, tổ chức du lịch, thể thao, dịch vụ lữ hành… Còn trạm BTS viễn thông, Thành đứng ra cho thuê, mỗi năm thu được khoảng 80 triệu đồng. Về bức tượng, sau Tết thì Thành đã chuyển về nhà rồi, có chưa chuẩn mong anh em thông cảm. Nếu nói dự án Cánh buồm xanh thực hiện sai thì cả huyện này đều sai, đều do Phòng Kinh tế hướng dẫn. Dự án là như thế nhưng lúc kinh tế khó khăn, không được cái này thì phải xoay cái kia để tồn tại…”.
Trong biên bản giải trình gửi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, ông Lý Duy Thanh cũng thừa nhận hiện vợ ông đang đứng ra điều hành hoạt động tại Khu sinh thái Cánh buồm xanh. Lê Thanh
ảnh: một dãy ki ốt được mọc lên trên khu đất nông nghiệp Cánh Buồm