Sáng 19/6, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã đưa vụ án Giết người và Hiếp dâm trẻ em liên quan đến bị cáo Lê Bá Mai (30 tuổi) ra xét xử. Bước xuống xe tù trong chiếc áo thun trắng và quần âu đen, gương mặt tái xám, Mai mỉm cười khi thấy người thân cùng hàng chục phóng viên báo đài. Phòng xử rộng gần 200m2 nhưng chật ních người tham dự, trong đó có nhiều cán bộ thuộc VKSND tỉnh Bình Phước, cơ quan luôn khẳng định có cơ sở buộc tội với Mai. Trả lời thẩm vấn của tòa về những lần xét xử trước đây đã nhận tội, Mai cho rằng "do bị đánh, ít hiểu biết pháp luật". Chủ tọa hỏi tiếp: "Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất, nơi có đầy đủ điều kiện để khai một cách rõ ràng, không bị ép cung, đánh đập, tại sao bị cáo vẫn nhận tội?". Mai cho hay: "Lần thứ nhất bị cáo nhận tội do bị ép cung nhưng sau đó thấy oan nên mới kháng cáo. Tất cả những lần khai ban đầu là do cán bộ đọc cho viết". Còn với những lần nhận tội, có luật sư chứng kiến, Mai lại cho rằng vì "nhận theo hồ sơ" và "không biết luật". Sau nhiều lần bị HĐXX truy vấn, Mai lúng túng cho hay: "nhận tội để được về nhà". Nhắc nhở bị cáo chịu trách nhiệm về lời nói của mình, chủ tọa cũng cho rằng, Mai đang “đùa giỡn pháp luật" và công bố những lời khai của bị cáo trước luật sư. Trong đó nhấn mạnh việc Mai đã nhận tội hãm hiếp và giết bé Út (11 tuổi). Tuy nhiên, khi bị tuyên án tử hình, vì sợ chết nên Mai đã kháng cáo để kéo dài thời gian, kéo dài sự sống. Trình bày với tòa, nhân chứng Hằng (khi đó 9 tuổi) cho biết, buổi sáng hôm đó cùng với Út đi mót củ sắn. Lúc đó có Lê Bá Mai chạy ngang qua chỗ hai đứa nói gì đó nhưng cô nghe không rõ. Sau đó Mai chở Út đi, Hằng đuổi theo nhưng không kịp. Cô biết người chở Út đi là Lê bá Mai vì trước đó có hỏi bạn về người này, được bạn cho biết tên là Mai. Hằng cũng khẳng định lúc đó Mai mặc áo dài màu xanh, quần đen, đội nón lá và chạy xe máy có bình nước đá màu đỏ... Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND Tối cao cho rằng nhiều chứng cứ, tình tiết liên quan không được cán bộ điều tra thu thập theo trình tự thủ tục tố tụng gây khó khăn cho việc chứng minh tội phạm. Tuy nhiên, qua điều tra lại, có căn cứ xác định Mai đã có hành vi hãm hại nạn nhân. Trong đó, vị công tố nhấn mạnh lời khai của Hằng, được cho là nhân chứng rất quan trọng, luôn xác định Mai chở Út đi bằng xe máy màu xanh và Út có quay lại nói với Hằng bằng tiếng S'tiêng là hoàn toàn phù hợp với các lời khai ban đầu của bị cáo. Mai còn có những lời khai khác phù hợp với một số nhân chứng và kết quả khám nghiệm hiện trường như mặc quần màu sẫm, bị rách nhiều chỗ, Út có cầm củ sắn, Út không mặc quần lót, nạn nhân nằm úp xuống… Mặt khác, cơ quan công tố cũng nhận định, trong tất cả các lời khai của Hằng đều xác định Mai đi xe máy màu xanh, có mang bình đá màu đỏ. Bị cáo cũng thừa nhận tại chòi có bình thùng đựng đá cùng màu trên. Đây là một vật chứng cần thiết để khẳng định lời khai của Hằng là hợp lý. Từ những căn cứ trên, đại diện VKSND Tối cao đề nghị TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Phước, tuyên hủy bản án để điều tra lại vụ án Lê Bá Mai theo hướng có tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em. Trước lời đề nghị này, thái độ của Mai vẫn không thay đổi trong khi mẹ bị cáo mặt tái nhợt còn cha Mai không giấu được vẻ buồn bã. Bào chữa cho bị cáo, luật sư Phan Long Ẩn (Đoàn luật sư tỉnh Long An) đề nghị HĐXX xem xét những lời khai của Mai vì ông cho rằng đó là “do điều tra viên viết và bị cáo học thuộc lại mà thôi”. Theo luật sư, đại diện VKSND Tối cao nhận định bị cáo Mai có mặt tại hiện trường là không có cơ sở. Biên bản lời khai và biên bản hiện trường cũng có nhiều mâu thuẫn. Ngay cả lời khai của Hằng cũng cho rằng có một người giống Mai chở Út đi chứ không khẳng định người đó là Mai. Mặt khác, luật sư khẳng định lời khai nhận tội của bị cáo có nội dung phù hợp với lời khai của nhân chứng nhưng không phù hợp với vật chứng và nơi ở của bị cáo. Ở lời khai khác lại phù hợp với vật chứng nhưng không phù hợp với nhân chứng Hằng. “Do đó, lời khai của bị cáo là do bị ép cung. Việc buộc tội Lê Bá Mai là không có cơ sở. Đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm, trả tự do cho bị cáo”, luật sư Ẩn nêu. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Mai đề nghị HĐXX xem xét lại vật chứng của vụ án, từ những lá đơn khởi kiện lần đầu tiên đến lúc kết thúc phiên tòa. "Tôi không chấp nhận những lời buộc tội mà đại diện VKSND đưa ra", Mai nói. Sau thời gian nghị án, Tòa Phúc thẩm nhận định, dù quá trình điều tra có một số sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Hồ sơ có đủ căn cứ cho thấy Lê Bá Mai đã phạm tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em. Theo HĐXX, Mai có tổng cộng 6 lời khai thì đến 5 lần đã nhận nhận tội. Trong đó bị cáo khai rõ các tình tiết phạm tội, phù hợp với lời khai nhân chứng và các chứng cứ khác, phù hợp với kết quả điều tra, bị cáo còn có thể vẽ lại được hiện trường vụ án mà chỉ có người phạm tội mới biết được... Bản án sơ thẩm phân tích có mâu thuẫn với lời khai của bị cáo, nhân chứng và các vật chứng liên quan của vụ án nhưng lại không xem xét đánh giá các mâu thuẫn này, không tổng thể hệ thống các chứng cứ khác như đã phân tích nêu trên mà tuyên bố bị cáo không phạm tội là không thỏa đáng, bỏ sót người, sót tội. “Kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Phước và kháng cáo của người bị hại là có căn cứ. Cần thiết phải huỷ án sơ thẩm để xét xử lại”, HĐXX nhận định. Tòa cũng yêu cầu tiếp tục tạm giam bị cáo để phục vụ cho phiên xử tiếp theo. Gần 8 năm trước, sáng 11/12/2004, bé gái Út (11 tuổi) trong lúc đi mót củ sắn với Hằng (em họ Út, 9 tuổi) đã lên xe của một thanh niên chở đi chơi và mất tích. Bốn ngày sau, thi thể Út được phát hiện trong vườn mít nhà ông Dương Bá Tuân (ở cùng xã) có dấu hiệu cho thấy em bị xâm hại trước khi chết. Lần theo lời khai nhận dạng của Hằng về một thanh niên đã chở Út đi chơi, cơ quan điều tra đã mời Lê Bá Mai (làm vườn cho ông Tuân) lên làm việc và khởi tố vụ án, bắt giam Mai. Cùng với một số chứng cứ đã thu thập được, cộng với lời khai nhận tội của Lê Bá Mai, VKS ra cáo trạng truy tố Mai ra tòa. Năm 2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Mai mức án tử hình cho cả hai tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, buộc bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 40 triệu đồng. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM sau đó cũng giữ nguyên bản án này. Qua hai phiên xử, Mai liên tục kêu oan và cho rằng bị cơ quan điều tra ép cung nên mới nhận tội. Ngày 12/12/2006, Viện trưởng Viện KSND Tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm, đánh giá cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Mai là "chưa có căn cứ vững chắc" và yêu cầu làm rõ một số vấn đề. Hai tháng sau, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án để điều tra lại vì "có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa được làm rõ". Tháng 5/2011, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Bình Phước cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội Lê Bá Mai nên đã tuyên bị cáo vô tội, trả tự do ngay tại tòa. Tuy nhiên, không lâu sau, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã kháng nghị, yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử lại theo hướng buộc tội đối với bị cáo. Theo nhiều luật sư, đây là một trong những vụ "kỳ án" không chỉ khiến các cơ quan tố tụng mất rất nhiều công sức mà còn làm nhiều người thấp thỏm bởi phán quyết của các cấp xét xử với những quan điểm trái chiều nhau. Hải Linh (TH)