Các CCB: Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Dũng, Vũ Tất Đắc, Đoàn Xuân Trường, Hoàng Văn Sằn, Nguyễn Nam Thái và Cao Minh Điến thuộc Chi hội CCB thôn 6, xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, tỉnh Đắk Nông bị khởi tố về tội “Hủy hoại rừng” từ ngày 5-5-2015 và bị truy tố ra tòa ngày 24-8-2015. Ngay sau khi bị bắt tạm giam, các CCB đã làm đơn kêu cứu gửi TƯ Hội CCB Việt Nam. Ban Pháp luật Hội CCB Việt Nam có Công văn số 20/PC-BPL ngày 16-12-2015 gửi Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Nội dung công văn nêu rõ: Ban Pháp luật TƯ Hội CCB Việt Nam thấy đây là vụ án cần rất thận trọng trong việc truy tố và xét xử đối với người vi phạm vì theo đơn của các CCB quá trình điều tra có nhiều mâu thuẫn, thiếu trung thực; việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại và việc giám định hiện trường để đánh giá thiệt hại về rừng và môi trường chưa khách quan, chính xác...
Sau nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, nên ngày 14-4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo là các CCB nêu trên. Mặc dù tại phiên tòa, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố; luật sư bào chữa cho các bị cáo khẳng định quá trình điều tra có sự vi phạm về thủ tục tố tụng, các biên bản xác định diện tích rừng vênh nhau, tọa độ khác nhau, không có sơ đồ, bản ảnh đi kèm... Thế nhưng, Hội đồng xét xử vẫn ra bản án tuyên bố 7 bị cáo phạm tội “Hủy hoại rừng” theo Khoản 1, Điều 189 BLHS, xử phạt Đỗ Mạnh Hùng 7 tháng tù giam, các bị cáo còn lại đều nhận mức 6 tháng tù giam.
Ngay sau khi xét xử sơ thẩm, cả 7 bị cáo đều có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND thị xã Gia Nghĩa gửi TAND tỉnh Đăk Nông, đồng thời tiếp tục viết đơn kêu cứu khẩn cấp nhờ TƯ Hội CCB Việt Nam, BCH Hội CCB tỉnh Đăk Nông và Báo CCB Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho họ.
Xác định đây là lần đầu tiên một tập thể các hội viên CCB bị truy tố, xét xử và bị kết án; việc kết tội đúng sai trong vụ án này có tác động không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, đời sống gia đình của các CCB mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội CCB, nên Thường trực TƯ Hội đã chỉ đạo Ban Pháp luật kịp thời phối hợp với Hội CCB tỉnh Đăk Nông và Báo CCB Việt Nam liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh tìm hiểu vụ việc, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan vụ án; nếu có tội thì phải thuyết phục các cá nhân có liên quan nhận tội, nếu không có tội thì phải minh oan cho anh em.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội CCB (vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, vừa kiên quyết đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền), TƯ Hội CCB Việt Nam đã cử cán bộ Ban Pháp luật vào Đắk Nông phối hợp cùng Hội CCB tỉnh làm thủ tục đề nghị TAND tỉnh Đắk Nông cấp Giấy chứng nhận bào chữa viên nhân dân cho ông Lê Minh Tiến-cán bộ TƯ Hội CCB Việt Nam tại phiên tòa phúc thẩm. Ông Tiến trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án; gặp gỡ các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan; làm việc với UBND xã Trường Xuân, Hội CCB xã Trường Xuân, Hội CCB huyện Đăk Song và trực tiếp tới thực địa, xem xét hiện trường xảy ra vụ án. Sau khi thu thập các tài liệu, chứng cứ và tìm hiểu các tình tiết liên quan đến vụ án, Thường trực TƯ Hội CCB Việt Nam ban hành bản Kiến nghị số 192/KN-CCB ngày 15-6-2016 do Phó chủ tịch Nguyễn Song Phi ký gửi TAND và VKSND tỉnh Đăk Nông. Nội dung bản kiến nghị nêu rõ những mâu thuẫn giữa nhận định, kết luận của VKSND và TAND thị xã Gia Nghĩa với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình tiến hành điều tra vụ án có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng, trong đó có vi phạm nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, TƯ Hội CCB Việt Nam kiến nghị với TAND tỉnh Đăk Nông và Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án để xét xử công minh, đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các CCB và gia đình.
Với tư cách là bào chữa viên nhân dân bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Minh Tiến-cán bộ Ban Pháp luật TƯ Hội CCB Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia tranh tụng, làm rõ các tình tiết của vụ án và trình bày bản bào chữa với các luận cứ thuyết phục, làm sáng tỏ bản chất vụ án, được đông đảo những người tham dự phiên tòa hoan nghênh.
Trong bản bào chữa của mình, ông Lê Minh Tiến đã chỉ ra những mâu thuẫn giữa nhận định, kết luận của VKSND và TAND thị xã Gia Nghĩa với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa phúc thẩm. Theo cáo trạng của VKSND và bản án sơ thẩm của TAND thị xã Gia Nghĩa, 7 bị cáo là CCB đã thực hiện các hành vi hủy hoại rừng như sau: Ngày 24-1-2015 phá 0,2ha rừng; ngày 25-1-2015 phá 0,2ha rừng; ngày 19-4-2015 phá 0,3ha rừng; ngày 20-4-2015 phá 0,1ha rừng (tổng số diện tích bị phá là 0,8ha). Trước khi phá toàn bộ là rừng già, cây có đường kính từ 5-45cm, tương đối rậm rạp. Tuy nhiên, lời khai của các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan đều khẳng định đám rừng trước khi họ vào phát dọn đã bị ai cưa hạ hết cây to, chỉ còn cây nhỏ có đường kính từ 10cm trở xuống. Đặc biệt, trong hồ sơ vụ án lưu giữ biên bản vi phạm hành chính ngày 27-3-2015 của Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa (BL 72) xác nhận “Đám rừng bị phá thuộc lô 3,6 khoảnh 1, tiểu khu 1710. Diện tích rừng bị phá là 0,98ha do XNLN Nghĩa Tín quản lý. Tại hiện trường cây ngã đổ ngổn ngang, hiện trường bị đốt cháy nham nhở, vết cắt hạ bằng cưa xăng cây có đường kính từ 10 cm đến 25 cm, mức độ thiệt hại 100%”. Công văn số 47/KL-TT,PC ngày 10-4-2015 của Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa gửi Công an thị xã Gia Nghĩa cũng xác định diện tích rừng vị hủy hoại là 0.98ha, mức độ thiệt hại là 100% (BL 70). Như vậy, việc các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Gia Nghĩa cho rằng các CCB tham gia phá rừng trong hai ngày 19 và 20-4-2015 là không có cơ sở vì rừng ở khu vực này đã bị phá 100% từ trước đó. Theo quy định tại mục 3.4 phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 8-3-2007 hướng dẫn áp dụng Điều 189 BLHS về tội “Hủy hoại rừng” và theo Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 của Chính phủ thì hành vi phạm tội của các bị cáo chưa “gây hậu quả nghiêm trọng” và chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng”. Mặt khác, việc xác định diện tích bị hủy hoại của các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Gia Nghĩa không thống nhất, thiếu chính xác. Trong hồ sơ vụ án có 4 biên bản liên quan đến việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, diện tích rừng bị hủy hoại là 0,98ha. Theo cáo trạng của VKS và bản án sơ thẩm của Tòa án thì tổng hợp diện tích rừng bị hủy hoại trong 4 ngày là 0,8ha (như đã nêu ở trên) nhưng VKSND và TAND thị xã Gia Nghĩa lại căn cứ vào Biên bản xác định hiện trường ngày 16-5-2015 xác định diện tích rừng bị hủy hoại là 0,78ha để truy tố và xét xử các bị cáo.
Về mặt tố tụng: Biên bản xác định hiện trường ngày 16-5-2015 được các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Gia Nghĩa sử dụng để kết tội các bị cáo được lập sau khi sự việc xảy ra gần một tháng trong điều kiện hiện trường không được bảo vệ. Khi lập biên bản không có người làm chứng, không có bản ảnh kèm theo, không có sơ đồ hiện trường, không được mô tả chi tiết để làm rõ những dấu vết chặt cũ và những dấu vết mới, thời gian đo đạc và xác định hiện trường chỉ tiến hành trong thời gian ngắn (1giờ 30 phút). Điều này chứng tỏ việc xác định hiện trường được tiến hành rất sơ sài, không đúng với các quy định tại Điều 150 của BLTTHS. Thành phần những người tiến hành đo đạc và phương pháp đo đạc để xác định diện tích rừng bị hủy hoại làm căn cứ để truy tố và xét xử không đúng với quy định tại Quyết định số 67/ĐTQHR/TCHC-QĐ ngày 5-3-2007 của Viện Điều tra quy hoạch rừng. Bản ảnh hiện trường được thu thập không đúng quy định của pháp luật, không ghi rõ thời gian, địa điểm chụp, không có chữ ký, xác nhận của người chứng kiến; việc thu giữ vật chứng không đảm bảo đúng trình tự thủ tục tố tụng…
Trên cơ sở phân tích, luận giải những sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Gia Nghĩa trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21-6-2016, Bào chữa viên nhân dân Lê Minh Tiến đã kiến nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Đăk Nông hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án. Chấp nhận kiến nghị của TƯ Hội CCB Việt Nam và bào chữa viên Lê Minh Tiến, hủy bản án sơ thẩm là chính xác. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm lại giao hồ sơ cho VKS điều tra lại là không khả thi.
Như vậy, sau hơn một năm kể từ ngày bị bắt tạm giam, nụ cười đã trở lại trên những khuôn mặt khắc khổ của các CCB, niềm tin vào sự công bằng, khách quan của pháp luật đã được minh chứng.
Ban Pháp luật Hội CCB Việt Nam