Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá và Ngày Thế giới không thuốc lá (25/05/2012)
Phó Thủ tướng đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đơn vị từ trung ương đến địa phương trong những năm vừa qua đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh dẫn tới tử vong hàng đầu trên thế giới; sử dụng thuốc lá đồng thời là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là nước đang phát triển nhưng qua các con số thống kê về tỷ lệ người tử vong do thuốc lá, các bệnh mắc do thuốc lá, chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh liên quan đến thuốc lá... cho thấy tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã và đang thực sự là mối nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Một điều đáng lo ngại nữa là sự gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở lứa tuổi thanh niên, thiếu niên ở Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá với cam kết "Bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi các hậu quả về sức khỏe, môi trường và kinh tế của việc thiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc".
Phó Thủ tướng kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội và mọi người dân trong cộng đồng tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; tham gia vận động và ủng hộ việc Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá để sớm thay đổi nhận thức và hành vi hút thuốc lá trong cộng đồng góp phần giảm thiểu tối đa các tác hại do thuốc lá gây ra; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải tăng cường ý thức trách nhiệm cá nhân, đồng thời gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tác hại của thuốc lá; giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ ngành và các địa phương triển khai đồng bộ và hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá...
Theo báo cáo của WHO, hàng năm trên thế giới có 6 triệu người chết do hút thuốc chủ động và khoảng 600.000 người chết do hút thuốc thụ động. Ước tính đến năm 2020, hàng năm sẽ có 8 triệu người chết do sử dụng thuốc lá, trong đó 70% là từ các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, thuốc lá là nguyên nhân tử vong của hơn 40.000 người hàng năm và ước tính con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người mỗi năm vào năm 2030 nếu như những biện pháp hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc không được thực hiện. Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành là 47,4% (15,3 triệu người); 33 triệu người lớn bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại nhà; 5 triệu người bị phơi nhiễm tại nơi làm việc. Sử dụng thuốc lá ước tính gây ra hơn 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các bệnh tim thiếu máu cục bộ....
Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành ở nước ta năm 2010 cho thấy: Tỷ lệ người dân biết về tác hại của thuốc lá là 95,7% và tỷ lệ người biết tác hại của hút thuốc thụ động là 87%; tỷ lệ sử dụng thuốc lá, thuốc lào cũng có xu hướng giảm; việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại trường học, bệnh viện, cơ quan, công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng đã bước đầu đạt được kết quả khả quan. Đồng thời, thuế thuốc lá cũng đã được áp dụng thống nhất cho tất cả các sản phẩm thuốc lá là 45% giá bán lẻ từ năm 2008. Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam còn rất cao; các công ty thuốc lá thực hiện các hoạt động quảng cáo tinh vi tại các điểm bán hàng nhằm gia tăng số người sử dụng; việc bán thuốc diễn ra ở khắp mọi nơi; giá thuốc còn rất thấp; công tác hỗ trợ cai nghiện thuốc còn yếu...
Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, thời gian tới, Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh việc thực thi các quy định về môi trường không khói thuốc; truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách đối với hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; tăng cường việc thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ các sản phẩm thuốc lá.../.
A Hoàng