Hưởng ứng bài viết “Anh hùng bàn phím” đăng trên Báo CCB Việt Nam số 1426: Cảnh giác nghe Doãn Như Lân nói

Tôi là bạn đọc từ rất lâu của Báo CCB Việt Nam và có thói quen lật trang báo xem mục mình yêu thích nhất để đọc trước.

Số báo CCB Việt Nam - 1426, ra ngày 9-3-2022 làm tôi bất ngờ khi mục “Luận bàn”, Toà soạn chuyển từ trang 16 ra trang 1. Nhất là tiêu đề bài báo “đánh trúng” tâm lý của tôi. Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần bài báo này, lại còn theo địa chỉ bài báo để  vào facebook “tìm Doãn Như Lân”…

Nhân đây tôi xin nói thêm, quan niệm của tôi về mạng xã hội cũng giống tác giả bài “Anh hùng bàn phím”. Ngày in-tơ-nét mới phổ cập ở nước ta, tôi cũng hăm hở vào mạng xã hội, “xem như điên”; cũng lập trang cá nhân, viết, bình luận... Nhưng rồi càng vào mạng đọc, càng thấy đúng là mạng xã hội bên cạnh mang lại cho chúng ta nhiều tiện ích tìm thông tin, nhưng cũng là nơi thông tin bị pha trộn, nhiều điều không thật, nhất là những trang của các “anh hùng bàn phím” kiểu như Doãn Như Lân làm nản người đọc. Từ ấy tôi cảnh giác khi vào mạng xã hội, luôn luôn phải sàng lọc, phân tích từng nội dung mà mình đọc, làm mất niềm tin với mạng xã hội. Dẫn đến tôi cứ xa dần, xa dần… Bây giờ tôi chỉ mở mạng xã hội xem rất lướt những nội dung mình quan tâm, bỏ thói quen viết facebook.

Nhưng sau khi đọc bài báo “Anh hùng bàn phím”, mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng đọc facebook của Doãn Như Lân, mới thấy trang facebook này độc hại thật, vì nó trộn giữa thật và giả, giữa sai và đúng, nên dễ đánh lừa người nghe.

Ví dụ, như buổi phát vi-đi-ô trực tiếp lúc 5 giờ ngày 10-3 trên YouTube, ngay mở đầu, Doãn Như Lân nói: “Mời các bạn nghe hai bài thơ chúc Tết của Bác Hồ” (hai bài thơ Bác Hồ chúc Tết đồng bào cả nước,  năm 1968, 1969, N.V)  Rồi Doãn Như Lân ca ngợi Đảng ta kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Nhưng ngay sau những lời khen “có cánh” đó, Doãn Như Lân lại tiếp tục lên giọng chửi bới những người mà ông ta cho là “lật sử” và lại tiếp tục “quát tháo” nhiều ngành, nhiều cấp “không ra tay đập chết bọn lật sử”… Lân nói CCB, mũ ni che tai không chịu “đấu tranh, vạch mặt bọn chúng”.

Chắc theo Lân, CCB phải ra đường phất cờ, cầm gậy, vác dao, “đeo huân chương lên ngực giương giương tự đắc”, hô hào, kêu gọi, phản đối… mới là đấu tranh, mới là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền chăng?

Thiếu văn hoá và nghiêm trọng hơn, là Lân xúc phạm các thế hệ CCB.

Mở trang cá nhân của Lân ra nghe, chúng ta thấy không dưới một lần anh ta dùng tính từ “chúng” để chỉ CCB. Ấy là những lúc Lân không làm chủ được cảm xúc, nói trong tâm thế cao hứng, mặt đỏ như gà chọi: “Chúng đang cướp công của các người đấy” - ý Lân nói những CCB trong Hội đang cướp công của đồng đội đã chiến đấu, hy sinh giành lại độc lập tự do cho dân tộc (!).

Chắc chưa kịp đọc bài “Anh hùng bàn phím” trên Báo CCB Việt Nam phát hành ngày 9-3, nên hôm sau Lân không những lại chụp mũ, chửi đúng những người mà Lân cho là “lật sử” của buổi phát trực tiếp của ngày hôm trước, mà còn cao giọng nói: “Tôi xuyên tạc thì sao còn ngồi được đây?”.

Lân không biết, trong bài báo “Anh hùng bàn phím” (tác giả có bề dày kiến thức, nghiên cứu chuyên sâu và rất am tường về lịch sử nước nhà) đã chỉ ra chi tiết “sai chết người” của Lân, là Lân nói GS. Phan Huy Lê và GS. TS. Vũ Minh Giang là hai trong những tác giả của bộ Sử Việt Nam (15 tập), trong khi hai nhà sử học đáng kính đó không hề dính dáng đến bộ Sử của Viện Sử học đó (cột 1, đoạn 3, dòng 9 dưới lên, trang 16).  

Thật nực cười, ngày hôm sau, chắc Lân mới đọc Báo CCB Việt Nam, hoặc người đọc cảnh báo cho Lân biết nhầm lẫn, Lân chữa ngượng, nói lại trên trang facebook phát trực tiếp lúc 5 giờ ngày 10-3: “Theo sự quán triệt của Phan  Huy Lê” - ý Lân nói GS. Phan Huy Lê không tham gia viết, mà là chỉ đạo (!). Nhưng với sự chữa ngượng này, Lân vừa dùng từ không trong sáng vừa tiếp tục nhầm lẫn - cố Giáo sư Phan Huy Lê là Tổng chủ biên bộ Quốc sử Việt Nam (32 tập đang trong quá trình hoàn chỉnh) - chứ không quán triệt (chỉ đạo), biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học.

Không chỉ cẩu thả, Lân còn tỏ ra khá nông cạn về kiến thức xã hội, nên nói câu trước “đá” câu sau: Lân vừa ca ngợi Đảng ta, vừa ca ngợi tài lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lại leo lẻo nói, nào là Hội CCB Việt Nam “là bọn” sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, đang cướp công của đồng đội…

Rõ ràng là Lân  không  hiểu Hội CCB Việt Nam, là “một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng ta lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội” (Điều 1 - Điều lệ Hội CCB Việt Nam).

Có lẽ lâu nay Lân mải mụ mị trên mạng xã hội nên không còn thời gian nghe, đọc và chứng kiến Hội CCB Việt Nam đã và đang “tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN… xứng đáng là một chỗ dựa tin cậy của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân...” - Lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam sáng ngày 14-12-2017, tại Hà Nội như thế.

Có đúng vậy không Doãn Như Lân?

Tôn Mạc Ninh