Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VII Hội CCB Việt Nam: Khơi dậy tinh thần sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước

Hội CCB tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức thiện nguyện “Đêm Sài Gòn” hỗ trợ 1.000 cây sầu riêng giống, trị giá 110 triệu đồng giúp hội viên nghèo.

Ngay từ đầu quý III-2023, sau khi Đảng đoàn Hội CCB Việt Nam gửi Công văn 56-CV/ĐĐCCB tới các Tỉnh, Thành ủy về việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm, các cấp Hội CCB trong cả nước đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh các phong trào thi đua cao điểm sôi nổi, thiết thực với những công trình, phần việc cụ thể, ý nghĩa nhằm lập thành tích chào mừng các ngày Lễ lớn của đất nước, 35 năm Ngày truyền thống Hội CCB Việt Nam và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII của Hội.Phong trào thi đua “CCB gương mẫu” đã gắn với các cuộc vận động, phong trào do T.Ư và địa phương phát động, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Hội.

Trong 5 năm (2019-2024), các cấp Hội tập trung đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua "CCB gương mẫu" gắn với thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và chủ đề công tác hằng năm của địa phương và nhiệm vụ chính trị của toàn Hội với phương châm tạo chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo".

Bằng cách làm cụ thể, sáng tạo, triển khai có hiệu quả, các phong trào thi đua yêu nước trong toàn Hội được tổ chức sâu rộng, hướng về cơ sở và có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương thức tổ chức, bám sát tình hình thực tiễn đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên; góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Cùng với công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp Hội còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp vận động nhân dân làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của địa phương, phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, những năm gần đây, mạng xã hội được sử dụng khá phổ biến không chỉ trong giới trẻ mà ngày càng có nhiều CCB tham gia. Công nghệ số tạo cơ hội, thuận lợi mới cho sự tăng trưởng, phát triển đưa trình độ văn minh của nhân loại lên một tầm cao mới, nhưng nó cũng là môi trường để các thế lực thù địch hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trước sự thay đổi này, trên không gian mạng đã xuất hiện nhiều tài khoản mạng xã hội trên nền tảng Facebook, Zalo, Instagam… của một số tổ chức Hội cơ sở, của hội viên CCB đã thể hiện rõ chính kiến với những nội dung phản ánh, phân tích, bình luận trên trang thể hiện tác giả là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, chia sẻ nhiều thông tin mang tính nhân văn cao cả, thấm đẫm tình người, tình đồng đội.

Hằng năm, Hội CCB các cấp còn phối hợp với lực lượng Công an và các ban, ngành đoàn thể tổ chức các hoạt động bảo vệ ANTQ bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo như tập huấn, sinh hoạt, học tập; thông qua mạng xã hội, hệ thống phát thanh ở cơ sở, thôn, xóm, tổ dân phố về công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, HIV/AIDS và tệ nạn xã hội ở các cụm địa bàn trong cả nước. Nhiều mô hình hiệu quả đã được nhân rộng như: “Cổng an ninh, trật tự”, “Câu lạc bộ CCB tham gia xây dựng tuyến đường kiểu mẫu”, “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer”, “Quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng”, “CCB tuyên truyền pháp luật trong đồng bào tôn giáo”, “Vây chặt, bắt gọn”; “Ba kiểm, ba khoá”, “Tộc, họ văn hoá”... của Hội CCB các tỉnh Bắc Ninh, Khánh Hòa, Hưng Yên, Quảng Ninh, T.P Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ của toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm của Hội CCB, chính vì vậy, các cấp Hội luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền kịp thời các hoạt động của Hội, gương sáng trên nhiều lĩnh vực, nhất là những mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đóng góp an sinh xã hội, giải quyết chính sách đối với CCB... góp phần động viên cổ vũ CCB tham gia công tác Hội nói riêng và chương trình xây dựng kinh tế - xã hội tại địa phương nói chung.

Trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tùy thuộc vào đặc điểm vùng miền, dân tộc, điều kiện của địa phương, nhiều cấp Hội đã đổi mới cách thức phối hợp phù hợp, đa dạng, linh hoạt nhằm phát huy cao nhất thế mạnh và khả năng của tổ chức Hội trên các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương, như: Hội CCB tỉnh Gia Lai cụ thể hóa các chỉ tiêu từ phong trào thi đua “CCB gương mẫu” trong triển khai, duy trì nhiều mô hình, cách làm hiệu quả giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, như: “Đàn bò nghĩa tình đồng đội”, “Nuôi bò, dê sinh sản”, “Giúp hươu, nai giống để thoát nghèo”, “10+1”, “5+1”... Cùng với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, để tăng cường vốn vay cho hộ hội viên nghèo, Hội CCB tỉnh Ninh Bình đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng phong trào thi đua "Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo". Đến nay, toàn Hội có tổng số tiền gửi tiết kiệm là 33,36 tỷ đồng, bình quân tiền gửi tiết kiệm đạt 2,17 triệu đồng/hộ đểxây dựng được quỹ tiết kiệm cho hội viên vay với lãi suất thấp, có nơi không lấy lãi để xóa nghèo… Chỉ tính năm 2023, huy động các nguồn lực, toàn Hội CCB tỉnh Yên Bái đã xóa được 110 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng (84 nhà làm mới và sửa chữa 26 nhà), trong đó Hội CCB xây dựng được 12 nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng...

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới…; thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ”, trong toàn Hội đã có nhiều đổi mới, có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua - khen thưởng; có sự đổi mới tích cực cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức thực hiện, đưa phong trào thi đua ngày càng phát triển và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Hồ Thanh Hương