Hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Lựa chọn những người tiêu biểu, đại diện cho dân
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ mày nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu đủ đức, đủ tài đại diện quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới đòi hỏi chất lượng đại biểu là yếu tố quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội, để mỗi quyết sách của Quốc hội đáp ứng kịp thời yêu cầu của cử tri, góp phần quan trọng vào con đường phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trọng trách lớn nhất mà mỗi đại biểu Quốc hội là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Cử tri đi bầu cử họ mang trong mình một trọng trách lớn lao từ sâu thẳm trong trái tim họ là sự mong muốn tìm được người tiêu biểu có đức, có tài, có tâm, có tầm, có trách nhiệm để xứng đáng đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình và của nhân dân là giúp dân xây dựng một xã hội công bằng và ngày càng trở nên tươi đẹp hơn. Tiếng nói của họ không chỉ là tiếng nói của địa phương, của ngành, lĩnh vực mình mà còn là tiếng nói của cử tri, tiếng nói của cuộc sống. Vì thế, một trong những đòi hỏi lớn nhất đối với mỗi đại biểu Quốc hội là gắn bó mật thiết với nhân dân. Chỉ có hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, đại biểu mới có thể lĩnh hội và sáng suốt trong từng quyết định của mình tại Quốc hội.
Để giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử; mà phải được bắt đầu từ khi họ là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, tham gia hoạt động tại cơ quan dân cử.
Để người dân hiểu được mình là đại biểu ứng cử, đại biểu ứng cử, cần được tạo điều kiện tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn, đó cũng là tạo điều kiện để cử tri phát huy quyền dân chủ trong bầu cử giúp cho cuộc bầu cử trở nên thực chất hơn để bầu ra những đại biểu có tài thực sự thì mới có đủ trình độ phát biểu góp ý kiến trong hoạch định chính sách và trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật. Thực tế cho thấy trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội với cử tri không có nhiệm kỳ vì nếu chỉ gần dân mà không mang lại lợi ích gì cho dân thì người đại biểu đó chưa làm tròn trách nhiệm của mình, vì thế đại biểu Quốc hội trước hết phải thực sự vì cử tri, vì nhân dân có tâm trong sáng, có tài, có bản lĩnh trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chúng ta phải chống chủ nghĩa hình thức, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức bầu cử để cử tri đóng góp ý kiến cho đại biểu Quốc hội đó là niềm tin của cử tri đối với mình. Khi đã có được niềm tin đối với cử tri thì cần phải phấn đấu, để không làm tổn thương lòng tin đó. Đó là những điều phải suy ngẫm của đại biểu Quốc hội về công việc của mình và cũng là những điều rất có ý nghĩa đối với những người tự ứng cử hoặc những cơ quan đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, chúng ta thấy vẫn còn một số đại biểu Quốc hội chưa thực sự toàn tâm toàn ý trong hoạt động, chưa làm tròn vai trò đại diện dân cử, chưa xứng với niềm tin của cử tri để thấy việc lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ mới cần có trách nhiệm hơn.
Để chuẩn bị cho đại biểu Quốc hội trong khóa XIV tới, chúng ta phải chuẩn bị nhân sự ngay từ đầu. Đại biểu Quốc hội cơ cấu theo vùng miền, thành phần, không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng mà phải đảm bảo chất lượng và phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, có tình cảm và trách nhiệm đối với cử tri bầu ra mình, Lâu nay chúng ta nói nhiều về cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu ứng cử, song đảm bảo tốt được tiêu chuẩn này thì chưa được ưng ý điều kiện khác. Tuy nhiên ở mỗi thành phần, mỗi cơ cấu đều có những đại biểu rất ưu tú; và người dân họ rất sáng suốt để biết được ai làm tốt, ai đủ khả năng để thay mặt mình thực hiện các trọng trách trong xây dựng luật, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Theo tôi, tiêu chuẩn lựa chọn phải thực tế, để sau khi trở thành đại biểu Quốc hội họ sẽ phát huy được khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, tránh tình trạng là đại biểu Quốc hội mà trong cả nhiệm kỳ không hề phát biểu, không hề tham gia đó là một sự lãng phí. Bên cạnh những đại biểu mới cũng nên có những đại biểu đã có thâm niên để giúp đỡ nhau trong công tác ở các nhiệm kỳ đạt kết quả tốt hơn. Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt hiệu quả cao. Hội CCB tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa vai trò quan trọng của bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh. Động viên các hội viên và cử tri phải tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ danh sách đại biểu Quốc hội, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân cùng tích cực tham gia bầu cử.
Thiếu tướng Lê Quang Đại - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ