Hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Lời thề và trách nhiệm

PV: Thưa đại biểu Dương Trung Quốc, xin đại biểu cho biết mục đích và ý nghĩa của Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, miễn nhiệm và bầu ba chức danh cao nhất của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XIII tuy chỉ diễn ra với thời gian bằng một nửa của 10 kỳ họp trước, nhưng nó có một ý nghĩa rất quan trọng. Kỳ họp này phải hoàn thành chương trình lập pháp của toàn nhiệm kỳ, với 7 bộ luật, trong đó có những nội dung hoàn toàn mới như "Luật Tiếp cận thông tin" còn phần lớn là sửa đổi nhưng không kém phần quan trọng (như Luật Báo chí, Luật Trẻ em, Luật Dược, Luật Xuất nhập khẩu, Thuế giá trị gia tăng...) theo định hướng mà Hiến pháp 2013 đã mở ra về việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân cũng như theo kịp với tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ; cũng như trên lĩnh vực giám sát việc sử dụng vốn vay và quản lý nợ công hoặc như giám sát việc sử dụng đất.
Nhưng kỳ họp này thực sự được toàn xã hội quan tâm cũng thể hiện tầm mức quan trọng chính là việc sử dụng một nửa thời lượng của kỳ họp liên quan đến vấn đề nhân sự, trong đó có tới 3 chức danh lãnh đạo cao nhất và trên cơ sở đó cũng hoàn thiện việc phân công nhân sự cho các thiết chế tổ chức quan trọng nhất của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.
Lẽ thường công việc này thuộc về Quốc hội nhiệm kỳ mới (XIV), nhưng công việc này diễn ra ngay tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ XIII, tuy hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp nhưng rõ ràng nó là một hiện tượng "xưa nay hiếm". Trong các nhiệm kỳ trước, trong đó có 3 nhiệm kỳ mà tôi được tham dự, việc thay đổi các nhân vật từng xảy ra nhưng thường riêng lẻ và không nhiều. Ví như thời điểm Chủ tịch Quốc hội Khóa X được bầu là Tổng bí thư của Đảng thì một vị trong Bộ Chính trị do Đảng điều chuyển và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa đó sau lại được tái bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tiếp theo (XI). Việc điều chuyển này làm theo đúng thủ tục luật định và như một lẽ tự nhiên.
Nhưng lần này, sở dĩ được nhiều người quan tâm, thậm chí nảy sinh trong dư luận đôi điều băn khoăn bởi lẽ sự thay đổi quá nhiều và lại liên quan đến 3/4 nhà lãnh đạo cao nhất (mà dân vẫn quen gọi là “tứ trụ”. Đó chính là hệ quả của Đại hội Đảng lần thứ XII với việc thay đổi nhân sự mạnh mẽ theo chiều hướng dễ nhận thấy là "trẻ hóa". Nó cũng cho thấy một nguyên tắc trong thể chế chính trị ở nước ta được thực hiện "mang tính nguyên tắc" là sự lãnh đạo tuyết đối và toàn diện của Đảng. Bởi lẽ đã không là Ủy viên Bộ Chính trị, không là thành viên của Ban Chấp hành TƯ thì không thể nắm giữ và điều hành các chức danh quan trong trong bộ máy Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ. Vậy mà, Đại hội XII của Đảng đã mạnh dạn thay đổi, rất nhiều người đang đảm nhận những chức vụ rất quan trọng nay không còn ở TƯ hay Bộ Chính trị. Việc không đợi đến khi đã bầu ra Quốc hội Khóa XIV mới chuyển giao quyền lực cho bộ máy nhân sự mới với khoảng cách thời gian từ Đại hội XII đến Quốc hội XIV là hơn nửa năm là một quan điểm rất thực tiễn, nhằm cho bộ máy được vận hành liên tục, không đứt đoạn hoặc gây ra những "khoảng trống quyền lực" và cũng góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực của thời kỳ "hoàng hôn" nhiệm kỳ như có Đại biểu Quốc hội đã đề cập. Nhìn từ một góc khác, thì việc nhiều vị đang đảm nhận những chức vụ rất quan trọng sẵn sàng chuyển giao trước khi hết nhiệm kỳ cũng có thể coi là một sự hy sinh cái riêng vì cái chung.
Tóm lại, từ một giải pháp mang tính "tình thế", công tác nhân sự mà kỳ họp thứ 11 này cũng giúp chúng ta rút ra những bài học sâu sắc: Bài học thứ nhất là cần có một tầm nhìn khoa học và xa rộng hơn để tránh nảy sinh những tình huống như vừa diễn ra là tạo khoảng cách thời gian quá lớn giữa hai sinh hoạt chính trị quan trọng là Đại hội Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội. Và bài học thứ hai là nếu vì lợi ích quốc gia, tuân thủ đúng Hiến pháp thì mọi tình huống cũng đều giải quyết tốt đẹp thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và củng cố được lòng tin của nhân dân.

PV: Việc tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, cử tri và nhân dân là một bước đổi mới, xin đồng chí cho biết thêm về sự kiện này.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Thoạt nhìn là "Đổi mới" nhưng ngẫm kỹ là ta trở lại với truyền thống mà thôi. Với dân tộc ta thì việc tuyên thệ (hay thề) vốn có từ xưa. Trong truyền thuyết ta biết đến cột thề trên đỉnh Nghĩa Lĩnh trên Đất Tổ gắn với thời đại các Vua Hùng dựng nước. Rồi ta biết đến lời thề của Hai Bà Trưng khi "phất cờ nương tử thay quyền tướng quân", lời thề Lũng Nhai của những nghĩa sĩ Lam Sơn trước khi Lê Lợi phát động cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc... Và gần hơn, trong truyền thống cách mạng là lời thề của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Đại hội Quốc dân Tân Trào, sau lễ Tuyên ngôn Độc lập và khi ra mắt Chính phủ đầu tiên tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội (2-3-1946)... Tại cuộc họp cuối nhiệm kỳ XI (2005) tôi có chất vấn vị Phó thủ tướng thường trực chuẩn bị nhận nhiệm vụ Thủ tướng nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII rằng người đứng đầu Chính phủ có đồng ý với việc trở lại với lễ thức tuyên thề như Chính phủ khóa đầu không, và được trả lời rằng nếu Hiến pháp quy định thì sẽ thực hiện. Vì thế phải chờ đến lần sửa đổi và ban hành Hiến pháp 2013, lễ thức này mới được ghi rõ trong văn bản Hiến pháp. Như thế cũng có nghĩa là ta đang trở lại với những tập quán tốt đẹp vốn đã có trong lịch sử và truyền thống của dân tộc và cách mạng mà thôi.

PV: Kỳ họp lần thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII với những nội dung quan trọng; đồng chí có bình luận gì?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Kỳ họp này còn có một sự kiện có ý nghĩa nữa là việc lần đầu tiên có một nữ Chủ tịch Quốc hội. Đúng là từ 70 năm nay, đây là lần đầu. Nhưng tôi cũng quan điểm rằng chúng ta cũng đang trở lại với những giá trị truyền thống mà lâu nay ta chưa phát huy tốt. Nếu ta nhớ rằng ở trang đầu lịch sử chống giặc ngoại xâm và nêu cao ý chí tự chủ của dân tộc ta là hình tượng các Bà Trưng, Bà Triệu… là những "Vua bà"... Còn nếu nhìn quanh thiên hạ thì phụ nữ đảm nhận các chức vụ như Tổng thống, Thủ tướng... thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng... thì ta thấy việc lần đầu có nữ Chủ tịch Quốc hội là đáng mừng và đáng ghi nhận, nhưng còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Dư âm của kỳ họp này chính là nhiều vị đại biểu đã lên tiếng nhắc nhở rằng nếu như trong Quốc hội vị thế phụ nữ đã được cải thiện đáng kể thì trong Chính phủ vừa bổ nhiệm thì ngược lại. Cảm xúc chung là thấy có nhiều cái mới được xác lập trong kỳ họp này, nhưng phía trước quá nhiều thử thách cam go và trách nhiệm ngày một nặng nề không chỉ với Chính phủ mà với cả Quốc hội nhiệm kỳ sắp tới.

PV: Xin cảm ơn nhà sử học - đại biểu Dương Trung Quốc.
Tô Kiều Thẩm (thực hiện)