Hướng Tây Bắc Sài Gòn năm ấy (21/04/2011)

Ra đi khi 13 tuổi, 41 năm quân ngũ rồi về nghỉ hưu đã 24 năm, tóc bạc, da mồi, thân hình gầy nhỏ nhưng giọng nói của ông vẫn còn hấp dẫn, nhất là khi ông kể chuyện chiến đấu cho các cháu thanh niên, học sinh sinh hoạt hè, mỗi dịp kỷ niệm lớn. Chúng tôi về bến sông Thương (thôn Bùi, xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang) được nghe ông kể về trận đánh trên hướng tây bắc Sài Gòn năm ấy mà ông là Trung đoàn phó Trung đoàn đặc công M98:

Lập chiến công xuất sắc trong chiến dịch Tây Nguyên, chiều ngày 14-4-1975, Trung đoàn M98 được Đoàn 559 tăng cường cho gần 100 ô tô, hành quân ngót 1.000km xuống miền Đông Nam Bộ. Tạm biệt núi rừng cao nguyên, những người lính đặc công ngỡ ngàng trước vùng đồng bằng trù phú. Mùi sầu riêng, mãng cầu chín, hương hoa bưởi, hoa chanh thơm nức, như nâng bước chân trên cầu phao dã chiến qua sông Sài Gòn sang tới Củ Chi; mảnh đất thép ác liệt, kiên trung mà nay mới được trở về. Thời cơ lịch sử một ngày bằng 20 năm; “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút…” theo mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nếu trong chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn M98 có nhiệm vụ sử dụng toàn bộ lực lượng đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong, trên hướng chủ yếu Buôn Ma Thuột và trên hướng nghi binh, kiềm chế địch ở Plây Cu, Công Tum, thì trong chiến dịch Hồ Chí Minh này là bí mật luồn sâu, đánh chiếm, chốt giữ cầu Bông, cầu Sáng và thành Công Binh, trung tâm quận Hóc Môn, mở đường cho lực lượng cơ động của Quân đoàn 3 thọc sâu theo hướng tây bắc Sài Gòn. Cùng với nhận nhiệm vụ là nhận quân trang, trận này ai cũng mặc quân phục mới và đeo một chiếc băng đỏ trên tay. Những người lính từ rừng sâu trở về còn được nhắc nhở giữ đúng lễ tiết tác phong quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân vùng đồng bằng, đô thị mới giải phóng khiến ai cũng bâng khuâng, rạo rực cảm thấy chiến dịch rất hệ trọng, thiêng liêng.

Đêm 27-4, trời tối đen đặc quánh, phía Sài Gòn ánh điện hắt lên sáng đỏ một vùng, xung quanh là pháo sáng địch chập chờn, thỉnh thoảng những loạt đạn pháo, đạn cối của địch lại rộ lên như giật mình hoảng hốt. Các đơn vị bắt đầu hành quân về mục tiêu được phân công và thống nhất thời gian nổ súng của cả trung đoàn vào sáng ngày 29-4. Nhưng do chiến trường mới lạ, không thuộc địa bàn nên cả ba tiểu đoàn đều gặp nhiều kênh rạch, sình lầy, và bị các ổ phục kích, phi pháo của địch ngăn chặn, chia cắt gây thương vong và mất nhiều thời gian vòng tránh.

Lúc 3 giờ 45 phút ngày 29-4, sương mù còn phủ kín khu vực cầu Bông, tiểu đoàn 1, trong chiến dịch Tây Nguyên đánh kho xăng dầu, kho bom đạn ở Plây Cu, bây giờ nổ súng mới có hai đại đội kịp vào chiến đấu, nhưng tiếng súng đã báo hiệu địa điểm và thúc giục đại đội đi sau khẩn trương hơn. Các chiến sĩ đặc công đã phá hủy cả 5 lô cốt, tiêu diệt toàn bộ quân địch chốt giữ 2 đầu cầu và dưới gầm cầu, làm chủ toàn bộ khu vực. Khoảng 9 giờ Thiết đoàn 10 xe tăng, xe thiết giáp ngụy định tháo chạy về Sài Gòn qua cầu Bông nhưng bị lực lượng giữ cầu đánh chặn, phía sau thì đội hình thọc sâu của Quân đoàn 3 với gần 400 xe dồn đuổi. Trong thế kẹt, chúng hoảng loạn nhào xuống cánh đồng lúa phía nam, các tay súng B40, B41 của ta bắn cháy 19 chiếc. Đến 11 giờ 30 phút lực lượng thọc sâu tiến rầm rập qua cầu Bông vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Tiểu đoàn 4, đơn vị lập công lớn khi đánh khu kho Mai Hắc Đế và sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, đêm nay hành quân bị lạc, tiểu đoàn trưởng Bùi Duy Biều phải cử một tổ đột vào ấp gần nhất bắt sống hai dân vệ dẫn đường tới cầu Sáng, tuy vậy, đến giờ nổ súng cũng chỉ có 2 đại đội. Nhưng với tinh thần tiến công liên tục, chỉ trong 55 phút chiến đấu, các chiến đấu viên phá hủy toàn bộ 16 lô cốt, diệt 35 tên ngụy và bắt sống 75 tên khác, giữ nguyên vẹn cây cầu. Đến 6 giờ sáng, tiểu đoàn 81 biệt kích và tàn binh sư đoàn 25 ngụy chạy qua bị anh em đón đánh, bắt hơn 200 tù binh. Lúc 11 giờ 30 phút lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 tiến qua cầu Sáng vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy trong tiếng hò reo, mừng vui khôn tả.

Tiểu đoàn 5 từng đánh chiếm sân bay Hòa Bình, căn cứ trung đoàn 53,Trung đoàn 44 ngụy trên Tây Nguyên, trận này vào tiến công thành Công Binh chỉ có hơn một đại đội có mặt, phần nửa bị mất liên lạc ở phía sau. Khi lực lượng thọc sâu của ta tiến đến, các mũi, các hướng nhanh chóng hiệp đồng chặt chẽ với xe tăng, xe bọc thép và bộ binh phát triển tiến công; đến 15 giờ, tiểu đoàn loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn công binh ngụy, làm chủ, chiếm giữ toàn bộ khu căn cứ.

Trong 3 ngày hành quân chiến đấu, Trung đoàn 198 tiêu diệt và bắt sống 565 tên địch, phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép, thu hơn 100 ô tô, 10 khẩu pháo. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường cơ động cho Quân đoàn 3 tiến vào Sài Gòn. Trung đoàn cũng có 13 đồng chí hy sinh anh dũng và 74 người bị thương. Máu của cán bộ, chiến sĩ như tô thắm thêm lá cờ nửa xanh nửa đỏ mà từ khi nào bà con đã hân hoan treo dày trên những dãy phố thân thương. Tháng 6 năm 1976, Trung đoàn được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND. Thành tích vẻ vang và cái tình của những cựu chiến binh M98 luôn sâu nặng và sáng mãi một thời trai trẻ.

Bài và ảnh: TÔ KIỀU THẨM