Khoản 1, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có khác chút ít so với Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006: người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu theo Luật 2006 thì bình thường được hưởng một khoản Bảo hiểm xã hội một lần; nhưng từ năm 2009 (sau một năm chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực) đến nay thì số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng đông (năm 2013 đã gần 17,4 vạn người, hiện nay khoảng gần 20 vạn người), trong đó có cả những người lao động vừa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Luật (sửa đổi) năm 2014, cùng với nghị quyết của Quốc hội vừa rồi là mở ra hướng không bắt buộc người tham gia bảo hiểm xã hội không được nhận “một cục” để rồi mất chế độ lương hưu, mà để cho họ lựa chọn là phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện tại và xu hướng chung của dư luận người lao động. Nhất là một khi người lao động đã tham gia thêm bảo hiểm tự nguyện thì chắc chắn là họ muốn hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Nhà nước ta đã chủ động xây dựng và hoàn thiện một hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng có hiệu quả cho nhân dân, cho người lao động. Trong đó chế độ hưu trí là một chính sách cực kỳ quan trọng. Người lao động trong quá trình làm việc, lo toan cho cuộc sống hôm nay nhưng cũng phải tính đến khi bước ra khỏi quá trình lao động, không còn có thu nhập như khi đang tại nhiệm. Do đó chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội hưu trí và phải xây dựng quỹ lương hưu trí vững chắc, trong đó người lao động đóng một phần, người sử dụng lao động đóng một phần và Nhà nước hỗ trợ một phần.
Chế độ hưu trí và xây dựng quỹ lương hưu là chính sách cốt lõi của bảo hiểm xã hội, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới từ lâu đều đã thực hiện có bài bản. Nếu ai cũng muốn “xẻ thịt” quỹ lương hưu từ khi mới làm việc được một số năm thì có thể nói toàn bộ chính sách bảo hiểm xã hội cũng khó lòng tồn tại, khó còn ý nghĩa đầy đủ về an sinh xã hội. Nhà nước đã tính toán đến những biến động về việc làm trên thị trường lao động và cách thức xử lý tương đối hợp lý, không thể tùy tiện sử dụng chính sách hưu trí thay cho các chính sách đó, làm biến dạng hệ thống chính sách an sinh xã hội được.
Tuy nhiên, Nhà nước xây dựng luật, ban hành luật và hoàn thiện luật đã là công việc rất quan trọng, nhưng việc phổ biến, quán triệt đúng đắn nội dung luật đến từng người dân, người lao động càng vô cùng quan trọng. Chế độ hưu trí được Nhà nước xây dựng từ khi chưa có các luật về an sinh xã hội cho đến bước tương đối hoàn thiện như bây giờ là cả một quá trình khá dài lâu, là cực kỳ quan trọng đối với người lao động khi bước ra khỏi quá trình làm việc. Hoàn toàn không thể rút tiền từ quỹ lương hưu để tiêu dùng khi đang khỏe mạnh, đang trong độ tuổi làm ăn bình thường.
Bài và ảnh: Dương Sơn