Hứa hão

“Lời hứa chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà hứa cho vừa lòng nhau”. Đó là lời phát biểu của một CCB trong hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng Nhân dân (HĐND) xã.

Theo CCB này, không chỉ lãnh đạo cấp xã mà cả cấp huyện, cấp tỉnh cũng có hiện tượng hứa rất hay trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, nhưng lại không thực hiện lời hứa, trở thành hứa suông, hứa hão.

CCB nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, phát biểu trước Quốc hội, có đại biểu thẳng thắn thưa rằng: "Nhiều cán bộ của ta đã chuyển sang họ "Hứa" vì cứ hứa hão, hứa suông". Trên diễn đàn của Quốc hội, HĐND, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng ta đã nghe khá nhiều cụm từ  "hứa sẽ nhanh chóng tháo gỡ"; "đã có kế hoạch, nhất định sẽ làm"; "sẽ giải quyết dứt điểm"; "kiên quyết xử lý"... nhưng đã có không ít "lời hứa gió bay". Họp xong, hứa rồi mà mọi việc trong thực tế vẫn không thay đổi.

Thực tế “hứa hão” đã trở thành công cụ, thành giải pháp hữu hiệu để một số cán bộ sử dụng nhằm làm "hạ nhiệt" nghị trường và dư luận... Thế nhưng “hứa hão” lại là căn bệnh nan y của xã hội. Trong mỗi kỳ đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, chúng ta lại nghe không ít lời hứa hão của một số người. Họ nói rất hay, rất đúng nhưng hành động thì không như vậy. Người hứa thiếu trách nhiệm với phát ngôn của chính mình. Cội nguồn của bệnh hứa hão chính là sự suy thoái đạo đức, lối sống. Những căn bệnh có liên quan với nó là thói dối trá, thói chuộng hư danh, thói vô trách nhiệm. Người hứa hão là người đã đánh mất lòng tự trọng, làm giảm sút lòng tin ở mọi người, phá vỡ mối đoàn kết trong cộng đồng, làm lãng phí tài nguyên và nguồn nhân lực xã hội.

Hứa hão không chỉ gây hậu quả cho xã hội mà trong nhiều trường hợp đã gây thiệt hại cho chính người đưa ra lời hứa. Năm 2020, trong kỳ Đại hội Đảng các cấp, đã có không ít cán bộ vì hứa hão mà trượt cấp ủy. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vào tháng 5-2021, nhiều cán bộ hứa hão, cũng đã không trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Dư luận không đòi ai phải hứa, nhưng dư luận lại có quyền đòi bất kỳ ai phải thực hiện lời hứa. Vì thế, rất cần có một cơ chế để giám sát việc thực hiện lời hứa. Trong giai đoạn khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số phát triển như hiện nay, việc giám sát thực hiện lời hứa không quá khó, các cơ quan chức năng cấp tỉnh của chúng ta đều có thể làm được. Trước hết cần phải công khai lời hứa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp theo là xây dựng “kho” dữ liệu về lời hứa. Bao gồm lời hứa của ai, hứa với ai, hứa ở đâu, hứa trong hoàn cành nào, thời điểm nào, nội dung hứa là gì và thời điểm thực hiện lời hứa đó. Sau đó là định kỳ thời gian để chủ nhân lời hứa báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện. Làm được điều này thì không chỉ hạn chế được những lời hứa hão mà còn là giải pháp quan trọng để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đỗ Phú Thọ