HTX Tân Cường được thành lập trên nền tảng tập đoàn sản xuất của huyện. Trong những ngày đầu, để có đủ vốn điều lệ, 6 thành viên trong Ban quản trị HTX phải thế chấp “sổ đỏ” phần ruộng đất nhà để vay vốn ngân hàng. Chuẩn bị cho việc thành lập HTX. Bà con nông dân rất băn khoăn, lo lắng. Ban quản trị sau khi được dự tập huấn, về tới xã đã chia nhau đi vận động, tuyên truyền việc thành lập HTX là cách lựa chọn tốt nhất lúc bấy giờ để giải quyết những vướng mắc mà nếu là “tập đoàn” sẽ không thể làm được. Năm 2000, tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện HTX dịch vụ nông nghiệp đầu tiên với dịch vụ đơn thuần chỉ là tưới, tiêu cho 430ha diện tích đất nông nghiệp của xã, lấy loại dịch vụ này làm vốn để hoạt động. Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về điện, HTX đã bố trí chọn lịch bơm nước vào giờ thấp điểm nên giá thành hạ, giá thu thủy lợi phí thấp hơn bên ngoài. Sau đó lần lượt đầu tư sâu vào các hoạt động cung cấp nước sạch nông thôn, cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất kinh doanh lúa giống, tổ chức tiêu thụ lúa hàng hóa và cung cấp tín dụng nội bộ xã viên. HTX đã xây dựng được hệ thống trạm bơm, đê bao, cống đập phân vùng khép kín đồng ruộng để chủ động bơm tưới, tiêu. Hiện nay, HTX phát triển theo mô hình cánh đồng lớn có tổng diện tích là 1.214ha, định hướng sẽ tăng lên 2.000ha. Hoạt động tín dụng nội bộ của HTX chính thức vận hành từ năm 2004, tới năm 2014, doanh số dư nợ trên 7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, HTX đã giúp cho rất nhiều thành viên tạo thêm được nghề phụ như chuyển dịch màu, nuôi trồng thủy sản… góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho thành viên. Hệ thống cung cấp nước sạch của HTX đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 1.500 hộ. HTX đã thực hiện kế hoạch cải tạo nâng cấp hệ thống nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu cho khoảng 2.500 hộ dân.
Để tạo ra lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm, HTX đã thực hiện mô hình cánh đồng hiện đại có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, đồng thời phối hợp với Công ty CP dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện Chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, hướng dẫn xã viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng lúa, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho bà con xã viên. Nhờ đó, mỗi héc-ta lúa áp dụng khoa học kỹ thuật hiện nay lãi từ 23-25 triệu đồng. Nhờ hoạt động có hiệu quả, nên HTX thu hút được nhiều xã viên tham gia. Hợp tác xã còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt, mới đây HTX được Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp trên diện tích 1.200ha. Thực hiện dự án này, HTX đã xây dựng Xí nghiệp chế biến lúa gạo gồm 1 lò sấy 45 tấn/mẻ và 2 kho chứa lúa 2.000 tấn, Nhà máy xay xát công suất 300 tấn lúa/ngày và kho chứa gạo, tấm, cám trấu để hình thành Xí nghiệp chế biến lúa gạo. Tổng dự án tương đương 28,8 tỷ đồng. Đây là mô hình giúp nông dân khắc phục tình trạng ứ đọng lúa gạo vào mùa thu hoạch rộ. Về Đồng Tháp hầu hết mọi người đều biết đến HTX Tân Cường, đơn vị được đánh giá một trong những HTX nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh. Trung bình mỗi năm lợi nhuận của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của xã viên HTX Tân Cường khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Những tưởng chỉ có những người đang làm việc trong các công ty hay các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mới được hưởng cổ tức, nhưng là cổ đông HTX Tân Cường, ông Huỳnh Thanh Thao cho biết: Tham gia vào HTX, chúng tôi được cung cấp các loại vật tư nông nghiệp với giá gốc, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với cam kết được hỗ trợ thêm 200 đồng/kg. Vụ đông-xuân và hè-thu vừa qua, gia đình tôi lãi hơn trăm triệu đồng. Với mức cổ tức dự kiến là 70.000 đồng/cổ phần, tôi có thêm 14 triệu đồng nữa. Một cổ đông khác là ông Trần Văn Hướng cho biết: Khi tham gia cánh đồng mẫu lớn của HTX Tân Cường, cứ mỗi ha đất trồng lúa, chi phí đầu vào sẽ giảm 1-2 triệu đồng/vụ. Trong khi năng suất lúa cũng đạt cao hơn, chất lượng lúa tốt, bán được giá nên lợi nhuận đầu ra cho sản phẩm cũng tăng 3-5 triệu đồng/ha/vụ. Cộng chung hai khoản này, mỗi ha lúa gia đình ông Hướng lãi thêm từ 4-7 triệu đồng/vụ. Trừ chi phí, vụ hè thu vừa qua, ông Hướng lãi được khoảng 25 triệu đồng/ha. Cũng giống như ông Thao, ngoài thu nhập từ lúa, ông Hướng còn có 500 cổ phần trong HTX với mức cổ tức 70.000 đồng, tức ông “bỏ túi” thêm 35 triệu đồng.
“Làm ruộng mà khỏe re!”, 322 hộ xã viên HTX Tân Cường ai cũng vui như Tết.
Thu Hà