Hơn 30 năm sưu tầm tư liệu về Bác Hồ
Bà Nguyệt quê ở tỉnh Bình Dương, năm 12 tuổi theo cha vào làm việc tại đơn vị Quân dân y miền Đông Nam Bộ hoạt động vùng chiến khu D. Từ năm 1951-1954 bà vừa tham gia điều trị thương bệnh binh, vừa làm liên lạc đưa công văn đến các đơn vị Quân dân y trong vùng. Cuối năm 1954, bà theo gia đình tập kết ra miền Bắc, học tập tại trường học sinh miền Nam ở TP Hải Phòng và may mắn được gặp Bác Hồ về thăm trường năm 1959, Hình ảnh Bác Hồ giản dị, gần gũi, đầy tình yêu thương với học sinh đã để lại trong bà niềm xúc động, kính yêu vô bờ. Từ đó bà Nguyệt có ý định tìm hiểu cuộc đời hoạt động cách mạng và lời dạy của Bác làm nền tảng cho sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân. Sau khi tốt nghiệp cấp III loại xuất sắc, bà được cử sang Liên Xô học khoa Sư phạm thể chất, rồi về nước công tác ở Tổng cục TDTT. Sau khi miền Nam giải phóng, bà chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh, đến 1996 nghỉ hưu. Về địa phương, bà hăng hái tham gia công tác chính trị-xã hội, suốt 10 năm liền (từ 2001-2011) được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban điều hành KP4, phường Cô Giang.
Trong thời gian đương chức cũng như khi nghỉ hưu làm Bí thư chi bộ KP, bà Nguyệt luôn tâm niệm phải sưu tầm các tư liệu về Bác Hồ để góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ ở địa phương. Do vị trí công tác nên bà được cấp nhiều loại báo chí để đọc. Mỗi lần thấy sách báo có những bài viết và hình ảnh về Bác Hồ là bà lưu giữ cẩn thận theo từng chủ đề. Bà còn đến các hiệu sách, sạp báo tìm mua những cuốn sách, bài báo do Bác Hồ viết và người khác viết về Bác đem về lưu trữ. Những bài báo và tấm ảnh có giá trị lịch sử bà đem photo và nhờ hiệu ảnh in, ép platic cho vào album để bảo quản lâu dài.
Hiện nay tủ sách của bà Nguyệt có hơn 400 cuốn sách, hàng nghìn bài báo và khoảng 2.000 tấm ảnh về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Đặc biệt, bà có bộ sưu tập đầy đủ hình ảnh và những bức tranh phác họa về Bác từ thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành, suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, rồi hình ảnh Bác trở về Pắc Bó hoạt động ở chiến khu Việt Bắc và khi về Hà Nội gặp gỡ thiếu nhi, phụ nữ, bộ đội, các tầng lớp nhân dân… Phía sau từng tấm ảnh bà ghi chú đầy đủ nội dung Bác đang làm việc gì, ở đâu, thời gian nào… rồi cho vào những cuốn album cỡ 20x30cm (mỗi cuốn 300 tấm ảnh). Ngày 30-10-2013, bà đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh ở bến Nhà Rồng 6 cuốn album gồm 1.800 tấm ảnh về Bác Hồ và bức thư của Người gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc tháng 9-1954. Bà còn tặng nhiều sách báo, hình ảnh (bản photo) cho Thư viện phường Cô Giang để giới thiệu rộng rãi với người xem.
Ngoài việc tặng tư liệu về Bác Hồ cho các đơn vị liên quan, bà Nguyệt còn lưu giữ trọn bộ sách báo, hình ảnh đã sưu tầm để truyền cho con cháu trong gia đình và phục vụ công tác tuyên truyền ở KP. Với cương vị Bí thư chi bộ KP4 từ năm 2001-2011, bà Nguyệt đã chủ động đề xuất việc học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh trong chi bộ và bà thường xuyên chọn những bài viết về Bác Hồ đọc cho đảng viên nghe trước buổi sinh hoạt hàng tháng. Từ khi có cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (năm 2007), bà đã xây dựng chương trình kể chuyện về Bác Hồ với chủ đề “Theo chân Bác trên những chặng đường lịch sử”, gắn với từng nội dung Cuộc vận động và Bản Di chúc của Người viết năm 1969. Bà đề ra chỉ tiêu mỗi lần họp chi bộ đều dành thời gian đọc một số bài viết về Bác Hồ. Tất cả đảng viên trong chi bộ rất hoan nghênh việc làm của bà và chăm chú lắng nghe tiếp thu những bài viết sâu sắc về Bác Hồ để chiêm nghiệm, phấn đấu, rèn luyện theo tấm gương của Bác.
Việc truyền thụ những bài viết, hình ảnh hoạt động của Bác Hồ đã có tác dụng tích cực ở khu dân cư, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc làm của nữ CCB Nguyễn Thị Nguyệt thật đáng trân trọng, thể hiện lòng kính yêu vô hạn với Bác Hồ, đồng thời tiếp lửa truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân KP4 thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bài và ảnh:
Thành Viên