Hồi ức giữ đảo Tốc Tan
Đảo Tốc Tan.
21 đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giữa ngàn khơi Tổ quốc được gọi là những “loa thành” bất tử. 48 năm qua kể từ ngày giải phóng, những “loa thành” sừng sững hiên ngang tạo nên vành đai thép bảo vệ đất nước từ hướng biển. Và để những loa thành ấy không bị rơi vào tay xâm lăng, có những người lính cống hiến trọn tuổi xuân của mình, mà CCB, Trung tá Nguyễn Viết Chức - nguyên Thuyền trưởng, tàu HQ-07 là một trong những người như thế. Tôi vừa gặp lại ông, với ăm ắp những kỷ niệm giữ đảo.
Trưa cuối tuần, nắng như đổ lửa, CCB Nguyễn Viết Chức cùng con gái đang rửa xe máy cho khách trước cửa nhà - số 36, đường 30-4, phường 11, T.P Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Miệng đeo khẩu trang, tay xách chậu nước xà phòng đầy bọt, thấy tôi, ông vồn vã: “Chào nhà báo. Có việc gì hỏi tôi không?” - đoạn vừa cười khà khà ông vừa nói: “Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc đâu nhé”.
Ông mời tôi vào nhà. Trong căn nhà cấp bốn khiêm tốn, mọi thứ đều rất đơn sơ. Ấn tượng hơn là những tấm ảnh, bằng khen, huân, huy chương các loại... Dừng lại ở hai con ốc nón đặt nơi góc tủ, thấy tôi chăm chú xem, ông bảo: “Kỷ niệm từ ngày đi giữ đảo Tốc Tan đấy. Nhìn vậy thôi chứ nó gắn bó với tôi cả đời lính biển”.
“Chắc là đặc biệt đây” - tôi tò mò gợi chuyện. Không trả lời tôi ngay,ông Chức nhấp ngụm nước trà rồi trầm ngâm nói: “30 năm khoác áo hải quân, nhiều kỷ niệm lắm, nhưng lần đi giữ đảo Tốc Tan thì không bao giờ quên được...”.
Rồi ông kể: Cuối năm 1987, trước tình hình phức tạp ở Trường Sa, tàu HQ-07 (tàu săn ngầm hiện đại nhất lúc bấy giờ) do ông làm Thuyền trưởng, nhận lệnh khẩn cấp đi giữ đảo, nhưng lại đúng lúc ông về chăm vợ ốm ở quê Thanh Hóa, nên Thuyền phó Nguyễn Xuân Sơn thay ông chỉ huy Biên đội tàu đi làm nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan.
Ra khơi trong gió mùa đông bắc tràn về, tàu HQ-07 tuy được mệnh danh là “cá mập săn ngầm”, nhưng đến đảo Đá Tây vẫn bị sóng dập đứt neo, hỏng chân vịt bên phải và hầm máy B2... Trước tình thế ấy, tàu phải quay ngược trở lại đất liền để khắc phục. “Lúc đó biết tin, lòng tôi như lửa đốt, nên nhận được điện của Lữ đoàn, mặc dù vợ còn đang ốm nặng, 3 con thơ dại, nhưng tôi đi ngay” - Vừa nói, ông vừa mở tù lấy bức điện đang giữ làm kỷ niệm ra cho tôi xem.
Ông về đơn vị đúng lúc Tư lệnh Giáp Văn Cương đến động viên và giao nhiệm vụ cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn. Ông quán triệt: “Đây là nhiệm vụ đặc biệt, dù khó khăn gian khổ, dù phải hi sinh các đồng chí cũng phải giữ bằng được đảo Tốc Tan. Nếu có tranh chấp, thì cho tàu ủi lên đảo làm cụm chiến đấu dựng bia chủ quyền” - tôi lên đường trong khí thế ấy - ông Chức nhớ lại.
Tàu rời bến, do Đại tá Hoàng Kim Nông, Bí thư Đảng ủy, Phó Lữ đoàn trưởng về Chính trị chỉ huy. Còn ông là Thuyền trưởng, Thượng úy Trương Huy Mão - Phó thuyền trưởng về Chính trị. Cùng hải trình còn có tàu HQ-713 của Hải đội 811.
Sau 3 ngày đêm hải trình khẩn cấp, tàu HQ-07 đến cụm đảo T3, gồm 3 đảo: Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, trong khi tàu thuyền đối phương đang vây kín để chuẩn bị chiếm đảo. Nhanh hơn một nhịp, ông cho tàu lao vào lòng hồ đảo Tốc Tan, đồng thời neo đậu và triển khai một tổ công tác, gồm 6 người (Đại tá Hoàng Kim Nông cắm cờ khẳng định chủ quyền, Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyên, Thượng úy Thuyền phó quân sự Võ Tá Hùng, Thiếu úy QNCNNguyễn Văn Bền điều khiển ca nô, y tá, Hạ sĩ Lê Xuân Thủy và Thiếu úy Nguyễn Viết Thạch) hạ xuồng máy cơ động vào đảo cắm cờ Tổ quốc và triển khai công tác bảo vệ, sẵn sàng chiến đấu đánh đuổi các tàu nước ngoài vào chiếm đảo. Lúcđó là 8 giờ sáng ngày 27-2-1988. Trước sự bảo vệ dũng mãnh của Hải quân ta, đến 9 giờ sáng ngày 28-2-1988 các tàu nước ngoài mới rút hết.
Để ghi nhận chiến công đầu tiên và động viên cán bộ chiến sĩ tàu HQ-07, đêm 28-2-1988, trên con tàu nhỏ bé giữa đại dương bao la, Đại tá Hoàng Kim Nông đã chủ trì lễ Phát động thi đua “Tất cả vì Trường Sa thân yêu, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-07 quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” và đảng viên trên tàu ra nghị quyết cChuyên đề: “Dù phải hi sinh cũng giữ tàu, bám đảo đến cùng”.
Trung tá, CCB Nguyễn Viết Chức kể: “Ngày ấy tàu trực ở đảo 132 ngày trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt; nước ngọt chia từng bát; rau xanh không có, thiếu lương thực, phải ăn lương khô trừ bữa, có chiến sĩ bị phù nề không đi được, nhưng anh em đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt. Những kỷ niệm ấy cả đời tôikhông bao giờ quên được”.
Mai Thắng