Hồi ức của ĐẶNG HIỂN: Để có mùa xuân ấy (05/04/2010)
Khi địch đánh phá, tất cả trẻ, già, lớn bé, gái trai đều chui vào hầm đấy. Cái đêm địch bắn phá dữ dội ở Mậu Lương, Đa Sĩ (Hà Đông), cách Khúc Thuỷ gần 2km, tiếng nổ rung chuyển cả đất hầm. Sáng hôm sau, tôi đạp xe về Mậu Lương vì có học sinh lớp tôi chủ nhiệm - em Hải Yến - nhà ở đó. Nhìn làng xóm tan hoang, nhiều hồ bom sâu hoắm, tôi lo quá. Khi vào đến nhà Yến tôi mới hoàn hồn, thấy ngôi nhà còn nguyên vẹn, chỉ nứt một góc tường, còn nhà bên cạnh là một hố bom to tướng như một cái ao; ông bố Yến ôm lấy tôi nói: Hút chết thầy ạ, nhà bên cạnh không còn ai, may nhà tôi không trúng bom mà cũng không bị sập, chỉ bị nứt bức tường hồi, Hải Yến cũng chạy ra, hai mắt trũng sâu. Cũng chính trong 12 ngày đêm này, số giáo viên và học sinh ở lại trường đã bắt sống được một tên giặc lái Mỹ bằng gậy và dây thừng, được báo chí và Ủy ban Nhân dân tỉnh biểu dương.
Trường tạm thời cho học sinh nghỉ học. Tôi về Song Phương, các gia đình giáo viên trong khu tập thể ra ngủ ở hầm kèo giữa sân trường. Chỉ buồn cười, tối 29 - 12, địch đã ngừng ném bom nhưng các gia đình vẫn ra hầm ngủ, sáng dậy thấy có một con rắn nằm ngay cạnh mình, tôi không dám động cựa, một lúc con rắn bò ra ngoài, hú vía. Tôi liền đạp xe về Hà Nội, đến phố Khâm Thiên, thăm một gia đình họ hàng bạn, có con sơ tán ở trường tôi. Bố mẹ cháu vẫn ở lại Khâm Thiên. Tôi rất xúc động thấy nhà cửa đổ nát, những cây bàng lá đỏ xơ xác như vừa bị đốt cháy; trên đống gạch vụn, nhiều phụ nữ chít những chiếc khăn tang trắng quá dài, đang cúi xuống đào bới, nhặt nhạnh, chắc là tìm những di vật của người thân, kỉ vật của gia đình. Thi hài của người thân thì bộ đội và dân phòng đã tìm giúp từ vài hôm trước (Khâm Thiên bị ném bom huỷ diệt vào đêm 26 - 12). Đi một lúc thấy một ngôi nhà còn nguyên vẹn, nhìn lên thấy số nhà đúng như số nhà gia đình người thân bạn tôi. Tôi run run gõ cửa, anh chủ bước ra nói: “Thầy ơi, chung quanh nhà tôi chết hết rồi, may vợ chồng tôi không việc gì; nhà tôi ngay hôm sau đã về nơi sơ tán để cho các cụ và các cháu yên tâm, mình tôi ở lại”. Tôi siết chặt tay mừng cho anh, nhưng lại ngậm ngùi nghĩ đến những gia đình xung quanh giờ này đã chia li âm dương đôi ngả. Tết ấy, Đài tưởng niệm những người dân Khâm Thiên bị B52 giết hại đã được dựng lên, khói hương nghi ngút. Đồng bào và đại biểu các cơ quan đoàn thể đến đặt hoa mặc niệm. Nhiều ngôi nhà đang được xây dựng lại. Những cây bàng đã mọc đầy lá non.
Đế quốc Mĩ đã ngừng cuộc oanh kích B52 vào Hà Nội nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục. Chúng tôi vẫn lên lớp ở nơi sơ tán; may gia đình học sinh trường chúng tôi không có ai bị thiệt mạng nhưng một số giáo viên học sinh của trường cấp 2 Kiến Hưng ngoại thị đã chết vì bom. Gia đình thầy Côn bị tổn thất đau đớn nhất. Cô giáo Vân, vợ thầy và hai con trai của thầy bị tử thương; chỉ còn con gái út 2 tuổi được mẹ ôm chặt vào lòng thì sống sót. Thầy Côn lúc đó dạy ở Thanh Oai về chôn cất vợ con, gửi con gái cho ông bà nuôi rồi lại đi dạy học. Một hôm tôi thấy thầy đạp xe đi qua nơi trường tôi sơ tán. Tóc thầy có mấy hôm mà bạc trắng. Hai mươi năm sau, nhớ đến kỉ niệm đau thương đó, tôi có viết một bài thơ tặng thầy. Bài thơ có mấy câu sau: “Hai mươi năm/ Trái tim đau của anh đã thành quá chật/ Những đứa con không có ngày sinh nhật/ Vẫn lớn lên theo tuổi trẻ nhà bên…/ Nỗi mất người thân có bao giờ cũ được/ Bom vẫn dội xuống đầu anh tháng chạp/ Thành phố xây đài chiến thắng, còn anh/ Anh xây cao bia mộ vợ con mình”. Anh xúc động, đặt bài thơ lên bàn thờ, thắp hương. Tôi nhìn mái tóc anh không còn một sợi đen nào nữa và hiểu nó đã bạc hết từ lâu.
Ngày 27-1-1973, đế quốc Mĩ phải kí Hiệp định Pa-ri, tôi đưa hai cụ và hai cháu về Hà Nội. Tết năm ấy, vật chất chưa có gì sung túc, nhưng mọi người đều cảm thấy rất sung sướng và tin tưởng. Trường phổ thông Công nghiệp của chúng tôi cũng trở lại Hà Đông. Vì trong học kì đi sơ tán, thầy trò vẫn dạy và học nghiêm túc nên mặc dù đó là khóa tốt nghiệp đầu tiên nhưng trường chúng tôi vẫn tốt nghiệp đứng thứ tư trong tỉnh. Còn trường phổ thông cấp 3 Phú Xuyên, nơi tôi đã dạy học tám năm từ 1963 - 1971 thì như đang trong ngày hội vì có một học sinh cũ (khóa 1962 - 1965) là phi công Nguyễn Đức Soát, được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, với thành tích bắn rơi 6 máy bay phản lực Mĩ. Thành tích của anh tôi đã theo dõi trên báo chí và đã biết dù khi đó người ta còn giấu tên anh, chỉ nói là phi công Nguyễn Đức. Một hôm nghe anh nói trên đài về việc cùng phi đội bắn rơi 4 máy bay Mĩ trên bầu trời Sơn La, nghe giọng nói tôi đã đoán ra ngay. Anh là học sinh giỏi toàn diện ở lớp tôi chủ nhiệm, có anh ruột là sĩ quan cao xạ pháo hi sinh ở miền Tây 1954. Soát được cử đi học ở Cộng hoà dân chủ Đức, nhưng khi khám tuyển trúng phi công, tổ chức cho phép anh lựa chọn, anh đã xin đi học lái máy bay chiến đấu để đánh Mĩ, trả thù cho người anh. Thời gian học ở Liên Xô (cũ), anh có viết thư và gửi bưu ảnh về cho tôi. Khi về nước anh cũng vào thăm trường và nói chuyện với học sinh. Ngày 29 tết năm 1973 (khi đó anh vừa được tuyên dương anh hùng), tôi đạp xe về nhà anh ở Nam Phong, Phú Xuyên thăm mừng, nhưng hôm đó, Soát lại lên sân bay, chỉ gặp được hai cụ; các cụ mời ở lại buổi trưa. Bữa cơm hôm đó tôi thấy vui như là ăn tết trước. Tết năm ấy, cả xã Nam Phong đều vui như hội vì có một người con anh hùng. Và không phải chỉ xã mà cả huyện cũng tổ chức đón anh vào mùng 6 tết. Tất cả những chi tiết này sau tôi đều đưa vào trường ca Đôi cánh. Tôi bắt đầu khởi thảo từ tết ấy và đến tháng 12-1973 thì hoàn thành và năm 1974 thì in thành sách. Tiện đây tôi chép lại mấy dòng trong chương Gặp gỡ vẻ vang, chương cuối cùng của trường ca trong đó có cảnh ngày mùng 6 tết ấy: “Mấy ngày nay Soát không sao ngủ được/ Có những lúc nén lòng cho khỏi khóc/ Kỉ niệm những ngày qua tràn như một dòng sông/ Không phải vì anh choáng ngợp trước vinh quang/ Mà ngây ngất bởi thác triều yêu mến/ Anh đã thấy đồng bào mừng reo khi anh đến…
Căn nhà anh như một ngày hội lớn/ Cán bộ và đồng bào cả huyện đến mừng công/ Mẹ anh suốt cả ngày tất bật/ Mà canh khuya còn đến quạt bên giường/ Bạn bè anh từ các tỉnh về thăm/ Lại gác chân lên nhau như ngày xưa đi học/ Thày giáo cũ nghe tin về gặp mặt/ Nỗi mừng vui quên mệt nhọc đường trường/ Các em học sinh nhìn anh quá yêu thương/ Các em gọi anh là “Lý tưởng”/ Anh tự nghĩ liệu mình có xứng/ Với tin yêu đến mức thế này không/ Anh tạm yên tâm khi đã tự nhủ lòng/ Không phải dành riêng anh tình cảm ấy/ Mà tất cả mừng chung ngày thắng lợi/ Mỗi một người đều góp một phần công …”.
Thời gian trôi đi, miền Bắc hàn gắn những vết thương chiến tranh, vừa xây dựng, vừa chi viện cho miền Nam, tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975… Vợ tôi được chuyển về Hà Đông và gia đình chúng tôi thoát khỏi cảnh một chốn ba nơi. Các học trò của tôi ở trường phổ thông cấp 3 Công nghiệp năm 1972-1973 ấy đã trưởng thành, nhiều người là kiến trúc sư, kĩ sư, bác sĩ… Hải Yến, tháng 7-1973 thi đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ và trở thành phiên dịch viên tiếng Nhật. Thời gian xoa dịu dần những vết thương. Thầy giáo Côn cũng đã tục huyền. Cháu gái hai tuổi được mẹ lấy thân mình chở che sống sót ngày ấy đã thành cô giáo cấp 2, có một gia đình hạnh phúc và có thêm những đứa em cùng cha khác mẹ…
Nguyễn Đức Soát, anh hùng phi công của quê hương Phú Xuyên trở thành Trung tướng Tư lệnh Không quân rồi Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng với anh, có lẽ kỉ niệm đẹp nhất trong đời vẫn là tết Quý Sửu 1973. Vì hơn ai hết, anh hiểu để có mùa xuân ấy, nhân dân ta đã phải gian khổ chiến đấu và anh dũng hi sinh như thế nào trong bao tháng năm dài.
Đ.H