Hội Nhà báo Việt Nam kỷ niệm 75 năm ngày thành lập: Đề nghị tiếp tục hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao
Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam
Ngày 21-4, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (21-4-1950 / 21-4-2025).
Dự lễ có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Cùng tham dự có đại biểu các cơ quan báo chí, liên chi hội nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Trình bày diễn văn kỷ niệm, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Trong hành trình 75 năm lịch sử đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: Là tiếng nói của nhân dân, là diễn đàn của xã hội, tích cực tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thay mặt Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đồng chí Phan Xuân Thủy nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam, của những hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong suốt chặng đường 75 năm qua.
Theo đồng chí Phan Xuân Thủy, năm 2025 là năm tổng kết Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 và là năm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2025). Đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương gợi mở Hội Nhà báo Việt Nam cần quan tâm quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tái định vị vai trò và trách nhiệm của báo chí, của Hội Nhà báo Việt Nam trong kỷ nguyên mới theo đúng định hướng, quan điểm chủ trương của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”; kịp thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ báo chí phát triển; chủ động tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam một cách trang trọng, thiết thực, tạo dấu ấn, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội về truyền thống lịch sử vẻ vang; về vai trò, vị trí và sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cách mạng tới.
*Cũng trong ngày 21-4, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, gắn với mục tiêu phát triển bền vững của khu vực.Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước đều có nguyện vọng chung mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục thực hiện và mở rộng Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sang giai đoạn 2026-2030 với ngân sách tăng ít nhất 200% để đáp ứng yêu cầu mới; bổ sung cơ chế đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho nhà báo tác nghiệp tại vùng thiên tai, dịch bệnh, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh và cho phép thành lập Quỹ Phát triển tài năng báo chí trẻ từ nguồn kinh phí hỗ trợ, tập trung đào tạo thế hệ nhà báo kế cận./.
Tin, ảnh: Minh Hoàng