Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên sẽ diễn ra vào tháng 4 (09/04/2013)
Theo thống kê từ các địa phương, từ đó đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư của vùng đạt trên 90.000 tỷ đồng, tăng cao so với các năm trước đó. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, toàn khu vực đã thu hút được 169 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 900 triệu USD, chiếm 20,36% về số dự án và 3,71% về tổng vốn đăng ký so với cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Nhằm tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực và quảng bá đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước các tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các địa phương trong khu vực tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai vào ngày 12/4/2013. Đây là một sự kiện quan trọng, với quy mô lớn, dự kiến sẽ có khoảng hơn 500 đại biểu tham dự, là đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh lân cận, các hiệp hội ngành nghề và các nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước.
Hội nghị Xúc tiến lần này nhằm mục đích tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực: kĩ thuật hạ tầng, giao thông vận tải, dịch vụ, du lịch... đặc biệt là nông lâm sản gắn với chế biến để xuất khẩu ra thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời đây còn là dịp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các cơ quan Trung ương và địa phương cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thảo luận về chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Điểm mới của Hội nghị lần này là sự tham gia của các Ngân hàng thương mại để làm công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội nghị lần này thể hiện cam kết của các cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương trong việc hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhà khoa học góp phần tạo thêm nguồn lực và khai thác mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế trong vùng để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội vùng chiến lược Tây Nguyên nói chung và cả nước nói chung
(TH)