Hội nghị về cải cách hành chính
Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Công tác cải cách hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân, công tác cải cách hành chính, nhất là ải cách thể chế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng.
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, cả về tổ chức triển khai và kết quả đạt được trên từng lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong đó, chuyển biến quan trọng nhất là về công tác xây dựng và ban hành thể chế (thể hiện ở tình trạng nợ đọng văn bản đã giảm đáng kể so với các năm trước), cải cách các quy định thủ tục hành chính (thể hiện ở Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện) và trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử... góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, quyết liệt hành động, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực cải cách hành chính của các bộ, các địa phương cơ bản đã được thể hiện một cách đầy đủ tại kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 được công bố hôm nay.
“Tôi nhiệt liệt biểu dương những bộ, địa phương đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong năm 2017 và đạt kết quả cao đối với các chỉ số đã công bố, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ninh, TP. Hà Nội, tỉnh Đồng Nai, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng…”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả tích cực đã đạt được, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác cải cách thể chế là trọng tâm của cải cách, tuy nhiên, qua đánh giá năm 2017 còn thấy hạn chế như vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao. Cải cách thủ tục hành chính còn những hạn chế, bất cập, còn tình trạng bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền; công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn còn phổ biến ở một số bộ, ngành và địa phương; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ…
Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tầng nấc; hiệu quả hoạt động chưa cao; cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan, tổ chức hành chính chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức chuyên môn trong đơn vị, tổ chức. Một số nơi còn bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; việc hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp còn chậm.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập của nền hành chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.
Một là, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố cần sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương, đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức; thể chế liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.
Ba là, tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm theo quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 và Nghị quyết số 19; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Năm là, quán triệt đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là: Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Đồng thời, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Cán bộ, công chức là là công bộc của dân, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.
Bảy là, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.
Tám là, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cải cách hành chính, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính tại các bộ, các tỉnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội công bằng cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận cơ quan hành chính Nhà nước.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung các tiêu chí của Bộ chỉ số này gắn với cải cách hành chính công, đánh giá cơ quan, tổ chức đó có làm tốt việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí hay không, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu chống cho được tính hình thức trong việc đánh giá. Muốn vậy, phải đặt sự hài lòng của người dân lên trên hết trong công tác cải cách hành chính hiện nay. Đem lại lợi ích thiết thực cho người dân với việc ứng dụng công nghệ cao, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, làm sao để người dân không phải tiếp xúc qua “cửa quan” khi giải quyết công việc với chính quyền một cách trực tuyến.
VPCP