Hội nghị thượng đỉnh G20: “Chân ngoài dài hơn chân trong!”

Không còn đồng thuận
Trái với truyền thống của Tuyên bố chung vốn chỉ nhấn mạnh sự đồng thuận của các bên tham gia, Tuyên bố chung lần này của G20 “lưu ý quyết định của nước Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu”, trước khi nhấn mạnh Hiệp định Paris là “không thể đảo ngược” và các lãnh đạo khác “tái xác nhận cam kết mạnh mẽ đối với Hiệp định”. Tuy vậy, ai cũng biết, không có sự tham gia của Mỹ thì những “cam kết mạnh mẽ” này sẽ “yếu” đi như thế nào khi đi vào thực tiễn.
Nội dung quan trọng tiếp theo là tự do thương mại, Tuyên bố chung không nhắc đích danh Mỹ như phần cam kết chống biến đổi khí hậu, mà chỉ thể hiện sự “đồng thuận về vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng”. Tuy nhiên, như giải thích của Thủ tướng nước chủ nhà - Angela Merkel, thực chất, đây chính là “việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ và các động thái thương mại không công bằng”. Và ai cũng biết, “chủ nghĩa bảo hộ” ở đây ngụ ý chỉ Tổng thống Mỹ-Donald Trump, người luôn chỉ trích các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, hàm ý rằng họ bán cho nước Mỹ nhiều hơn là mua.
Điểm sáng nhất của G20 lần này là các nước đều lên án mạnh mẽ việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức trái pháp luật.
Giới quan sát nhận định: Tuyên bố chung của G20 là một thắng lợi đối với Tổng thống Mỹ-Donald Trump, mở đường cho người đứng đầu Nhà Trắng theo đuổi chủ trương thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Đồng thời, tuyên bố này cũng mở cửa cho các nước tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn bị cho là nguyên nhân gây ấm lên toàn cầu.

Sự nổi bật của hai Tổng thống Nga - Mỹ
Các hội nghị, diễn đàn quốc tế thường là cơ hội tốt để lãnh đạo các nước tiến hành các cuộc gặp song phương để thảo luận các vấn đề chưa giải quyết triệt để hay bắc cầu cho những quyết sách tiếp theo. Với hàng chục cuộc gặp song phương, G20 lần này thực sự đã bội thu.
Đáng kể nhất là cuộc gặp tay đôi đầu tiên giữa Tổng thống Nga - Vladimir Putin và
Tổng thống Mỹ - Donald Trump, vốn được dư luận quan tâm theo dõi và đưa tin còn nhiều hơn cả theo dõi và đưa tin về hội nghị. Dễ hiểu thôi, Mỹ và Nga mới là những thực thể có thể giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết của thế giới, chứ không phải G20. Trong khi quan hệ Nga - Mỹ không được tốt lành từ nhiều năm nay. Ở nhiều nơi trên thế giới và trong nhiều chuyện, Mỹ và Nga không chỉ bất đồng quan điểm mà còn xung khắc lợi ích. Ngay trước cuộc gặp này, như để “đánh phủ đầu”, ông Trump còn cáo buộc Nga gây mất ổn định ở châu Âu.
Kéo dài đến 136 phút thay vì 35 phút như dự kiến, hai nhà lãnh đạo trao đổi về chống khủng bố, về Syria, Ukraine và Triều Tiên, về định hướng cho quan hệ giữa Mỹ và Nga trong tương lai. Kết quả lớn nhất là ông Trump chấp nhận sự phủ nhận của ông Putin về việc Nga can dự vào bầu cử ở Mỹ; và hai bên thỏa thuận thực thi ngừng bắn ở khu vực miền Nam Syria, với sự tham gia của cả Israel và Jordan. Thỏa thuận ngừng bắn này giúp Nga loại trừ Israel ra khỏi chiến sự ở Syria, giúp ông Trump có được kết quả cụ thể mới trong chính sách đối với Syria, giúp cả hai bên chứng tỏ cho thế giới thấy là hai nước vẫn có thể hợp tác với nhau và phải hợp tác với nhau mới giải quyết được mọi vấn đề ở Syria cũng như trên thế giới.
Ông Trump chưa nhượng bộ ông Putin trong nhiều vấn đề, như việc trừng phạt Nga, đơn giản vì chưa thể nhượng bộ. Ông Putin cũng ý thức được rằng lúc này không thể và không nên ép ông Trump làm những gì không thể hoặc khó có thể làm được.
Dưới giác độ đó, cuộc gặp là thành công lớn đối với cả hai bên. Đây là sự khởi đầu tạo tiền đề và động lực quan trọng cho những bước tiến lớn tiếp theo.
Ngoài kết quả khá nhạt nhòa, Hội nghị G20 vừa kết thúc còn là kỳ họp “giông tố” và hứng chịu bạo động nhiều nhất trong lịch sử. Bên ngoài phòng họp của các lãnh đạo thế giới, cảnh sát Đức vất vả đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình, trong đó có những cuộc bạo động khi người biểu tình ném chai lọ vào cảnh sát, đốt phá trên đường và cướp bóc các cửa hàng gần đó. Dù sao, trong bối cảnh nước Mỹ của ông Trump đang “phá bĩnh” và thế giới ngày càng phân cực, G20 lần này đạt được một thỏa hiệp tốt, đây là một điểm rất tích cực và có thể xem là một thành công của nước chủ nhà.
Đăng Song