Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu
Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024, nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Ngày 27/11/2024, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị “Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2024” nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc tổ chức và triển khai thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, trong Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027, Chính Phủ cũng đã đặt ra 5 mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy thực hành kinh doanh có điều kiện, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là truyền thông, nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật thực hành kinh doanh có trách nhiệm, với nhiệm vụ chính là của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hội nghị hôm nay được tổ chức với mục tiêu cung cấp cho các phóng viên, biên tập viên thông tin và kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Chúng tôi kỳ vọng rằng qua Hội nghị này, các phóng viên, biên tập viên sẽ nắm rõ hơn và đồng hành cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp cũng như các cơ quan, ban ngành khác trong việc nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nhân, và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Hợp lực này không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế mà còn đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển xã hội bền vững tại Việt Nam”, ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, TS Lưu Hương Ly, Đại diện Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
Theo TS Lưu Hương Ly, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Trước hết, Việt Nam có sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững. Trong đó, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, môi trường hội nhập quốc tế là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm. Là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, Việt Nam buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả những tiêu chuẩn về môi trường và trách nhiệm xã hội…
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong quá trình thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm. Dù nhận thức của doanh nghiệp đã dần được nâng cao, song phần lớn người tiêu dùng và cộng đồng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Một thách thức khác là cơ chế giám sát và thực thi về thực hành kinh doanh có trách nhiệm chưa thực sự hiệu quả.
Nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Đồng thời, đảm bảo Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật; qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục và hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ giải pháp.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hòa- Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã trình bày với các đại biểu tham dự, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài ở Trung ương về các kỹ năng viết bài chủ đề thúc đẩy DN thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Theo ông Hòa, kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá, ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với môi trường, con người và xã hội, góp phần đóng góp cho xã hội và sự phát triển bền vững. Vì vậy, cần nâng cao năng lực truyền thông, cũng như lập kế hoạch truyền thông để thực hiện tuyến bài đem lại hiệu quả xã hội.
Bồ Tiến