Hội nghị Đảm bảo An toàn giao thông

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2016, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 13 địa phương giảm trên 10% số người chết là Tây Ninh, Tuyên Quang, Trà Vinh, Lai Châu, Bắc Giang, Long An, Bạc Liêu, Gia Lai, Yên Bái, Quảng Trị, An Giang, Lào Cai, Đắk Nông. Trong năm 2016, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong năm 2016 vẫn còn 20 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 9 địa phương tăng trên 10% là: Quảng Ngãi, Hòa Bình, Cao Bằng, TPHCM, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau. Điều đó cho thấy tính bền vững trong công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn là một thách thức lớn.
Vẫn còn xảy một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Còn để xảy ra tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hiện tượng bảo kê uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh. Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn diễn biến phức tạp trở lại, đặc biệt là khi xảy ra mưa ngập trong các khung giờ cao điểm…
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Năm 2017, nhu cầu giao thông, số lượng phương tiện, cũng như sự đa dạng về trình độ và văn hoá của người tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng cao, tạo nên thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về cải thiện an toàn đường bộ toàn cầu, theo đó đến năm 2020 số người thương vong do TNGT đường bộ giảm còn 50% so với năm 2010.
Trong tình hình này, Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố cần triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu nhi” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”. Mục tiêu là giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm số người chết do TNGT năm 2017 xuống dưới 8.500 người.
Kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
Trên cơ sở đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; gắn kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong bảo đảm trật tự ATGT năm 2017 là “thường xuyên, kịp thời, thực chất, dứt điểm”.
Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự ATGT. Tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, trước tiên là xử lý triệt để các điểm đen về ATGT. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, kiên quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện...
“Xử lý nghiêm người vi phạm giao thông và người thực thi nhiệm vụ để không xảy ra tình trạng gọi điện cho người thân quen xin xỏ, hay dấm dúi chia đôi”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Đặc biệt, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội xây dựng chương trình cụ thể triển khai chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu nhi” để giảm thiểu TNGT liên quan đến thanh, thiếu nhi.
Phó Thủ tướng đề nghị, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM. Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; có giải pháp khẩn cấp xử lý các nút giao, đoạn đường thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông; khuyến khích sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Trước mắt, các bộ, ngành, UBND các địa phương triển khai nghiêm túc Công điện số 2239/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT dịp Tết cổ truyền và lễ hội xuân 2017.
Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ ra quân phát động Năm ATGT 2017./.