Hội nghị của Chính phủ về hoàn thiện và thi hành pháp luật
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, Hà Nội.
Ngày 24-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác này thời gian tới.
Hội nghị diễn ra sau khi Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV vừa kết thúc với việc thông qua 7 luật, sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2021 và đầu năm 2022.
Diễn ra theo hình thức truyền hình trực tuyến, Hội nghị bàn các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả thi hành. Công tác này càng có ý nghĩa quan trọng khi mà dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại quan trọng (gần đây là Hiệp định RCEP), đòi hỏi phải cập nhật những vấn đề mới nảy sinh.
Chính phủ hành động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá, chiến lược, Thủ tướng từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm này và nhắc lại câu của Bác Hồ “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 5 năm qua, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản.
Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập.
Hội nghị lần này, Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020; nghe, thảo luận về các vấn đề: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...
PV