Hội Nạn nhân chất độc da cam Tiền Giang: Huy động nguồn lực xã hội trợ giúp nạn nhân da cam

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) tỉnh Tiền Giang thành lập ngày 21-4-2005, đến nay có 10.250 hội viên. Hội có một hệ thống hoàn chỉnh phủ kín các huyện, thành, thị; toàn tỉnh hiện có 163 tổ chức hội 3 cấp; 409 chi hội ấp, khu phố hoạt động ổn định và hiệu quả. Bước đầu khảo sát, lập danh sách quản lý hơn 10.000 nạn nhân, trong đó 8.400 người được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước (gồm người hoạt động kháng chiến là 1.200 người, con của người hoạt động kháng chiến là 310 người và 7.500 người là công dân thường); còn 1.150 người vẫn chưa được hưởng chế độ của Nhà nước vì nhiều lý do khác nhau...
Hội xác định hoạt động trọng tâm và chủ yếu nhất là vận động nguồn lực xã hội để chăm lo cho nạn nhân về sức khỏe, đi lại, ăn ở, học hành… Hội có những phương pháp vận động linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, nhằm khơi dậy cảm xúc, sự đồng cảm của cộng đồng trước nỗi đau của NNCĐDC, từ đó xẻ chia giúp đỡ tự nguyện.
Với nhiều phương thức vận động, thường xuyên, liên tục, 5 năm qua, Hội vận động được hơn 39 tỷ đồng. Nguồn vận động chủ yếu là Hội cấp cơ sở vì tất cả nạn nhân đều ở cơ sở mà nhà tài trợ được tận mắt thấy rõ khó khăn của họ. Phương thức giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân cũng rất đa dạng. Có lúc Hội trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà nạn nhân, có khi Hội hướng dẫn nhà tài trợ trực tiếp đi trao thông qua số lượng nạn nhân đã thống nhất với Hội. 5 năm qua, thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, Hội trợ cấp 251 suất học bổng, xây 232 căn nhà, cấp vốn sản xuất cho 252 hộ, hỗ trợ 419 xe lăn, xe lắc, tặng hàng chục nghìn suất quà mỗi năm… Hướng lâu dài, Hội phối hợp với Ngành Y tế thực hiện chương trình “Bác sĩ gia đình” để chăm sóc nạn nhân tại nhà. Bước đầu thí điểm được tại 4 huyện với số lượng hơn 50 nạn nhân, đạt hiệu quả tốt.
Ngoài sự giúp đỡ cho nạn nhân bằng nguồn vận động, Hội rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân bởi đây cũng là chức năng của Hội. Hiện nay tỉnh Tiền Giang thực hiện việc chi trả, trợ cấp hằng tháng cho nạn nhân theo 2 diện: Diện người có công hưởng theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP là gần 1.450 người, đạt tỷ lệ 79,3% và nạn nhân là công dân hưởng theo Nghị định 13/2010/NĐ-CP là gần 7.700 người đạt tỷ lệ 91,5%. Qua đợt Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công bị nhiễm chất độc hóa học, Hội phát hiện và đề xuất cơ quan chức năng xem xét 17 trường hợp. Kết quả có 12 trường hợp hưởng chưa đúng, đã được các cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện đúng.
Những kết quả đạt được về công tác vận động nguồn lực xã hội và chăm sóc NNCĐDC trong 5 năm qua đã khẳng định Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang thực sự là chỗ dựa vững chắc cho hàng chục nghìn nạn nhân da cam trong tỉnh. Bằng việc làm thiết thực, Hội giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, phục hồi về sức khỏe, xóa dần mặc cảm, tự ty do bệnh tật đem lại. Không ít nạn nhân vươn lên hòa nhập cộng đồng xã hội. Hoạt động của Hội còn tạo được niềm tin đối với tổ chức, cá nhân hảo tâm, từ đó họ sẵn sàng đồng hành, đóng góp nguồn lực để cùng Hội chăm lo cho nạn nhân ngày càng nhiều hơn. Kết quả đó còn góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do vậy, hoạt động Hội được lãnh đạo các cấp ghi nhận và tặng thưởng 2 Cờ thi đua, 12 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, T.Ư Hội NNCĐDC.
Trong thời gian tới, các cấp Hội NNCĐDC ở tỉnh Tiền Giang xây dựng các phương pháp tổ chức hoạt động phù hợp, trong đó có công tác vận động nguồn lực xã hội, đem lại hiệu quả cao nhất trong thực hiện mục tiêu “Tất cả vì nạn nhân da cam”
Mai Anh