Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Lan tỏa yêu thương xoa dịu “nỗi đau da cam”
Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc. Những năm qua, tinh thần “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/dioxin) Việt Nam phát huy và lan tỏa khắp mọi miền đất nước và tới nhiều nước trên thế giới, cổ vũ lương tri, thôi thúc hành động của cộng đồng, đem lại niềm vui sống, ý chí vượt khó vươn lên đối với những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ bởi chất độc da cam.
Trải qua 4 nhiệm kỳ, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền các cấp, của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, đồng thời, với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ và hội viên, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống tổ chức Hội không ngừng được xây dựng, củng cố và phát triển. Đến nay, Hội có tổ chức ở T.Ư và 63 tỉnh, thành phố, hơn 610 Hội cấp huyện và gần 6.630 Hội cấp xã với tổng số hơn 400.000 hội viên. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thành lập ở T.Ư, 40/63 tỉnh, thành phố, 108 quận, huyện và quỹ tự nguyện ở gần 550 xã, phường, thị trấn.
Hội thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đối với NNCĐDC; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân. T.Ư Hội đã ký Chương trình phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Bộ LĐTBXH, Hội CCB Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhiều tổ chức khác ở T.Ư và một số tổ chức quốc tế. Các tỉnh, thành Hội ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, qua đó giúp tổ chức hội hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Hội luôn coi việc vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Hội NNCĐDC/dioxin các cấp, đặc biệt là trong dịp Ngày Vì NNCĐDC (10-8), Tết vì NNCĐDC, nhắn tin từ thiện vì NNCĐDC… với cách thức tổ chức và phương pháp phù hợp, hiệu quả, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ mới, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, khơi dậy và phát huy tình cảm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Năm 2023, Hội tham mưu Ban Dân vận T.Ư chỉ đạo; các cấp Hội phát động và thực hiện Tháng hành động vì NNCĐDC (từ 1 đến 31-8) đạt kết quả tích cực.
Từ khi thành lập đến tháng 11-2023, toàn Hội vận động được hơn 4.236 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật) để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, như: Xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội, xông hơi giải độc; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tìm việc làm, khám chữa bệnh… Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững hơn.
Hội NNCĐDC các cấp xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả 26 trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước, thực hiện tốt việc xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú; dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục nghìn nạn nhân. Hội đã và đang phối hợp thực hiện hơn 30 dự án hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC.
Nhiều hoạt động khoa học, các hội thảo, hội nghị và hợp tác quốc tế được tổ chức. Hội hoàn thành cơ bản quy trình xông hơi giải độc ổn định tại hơn 10 cơ sở ở trong nước. Đến nay, các cơ sở tổ chức xông hơi, giải độc, nâng cao sức khỏe cho hàng chục nghìn lượt người đạt kết quả tốt, không để xảy ra tai biến về y tế. Hội phối hợp với các cơ sở nghiên cứu và các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra, thống kê, lập hàng chục nghìn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, nhiều thế hệ và hồ sơ gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn; điều tra, khảo sát, lập hồ sơ nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, làm cơ sở để đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân.
Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC, nhằm hai mục tiêu: Yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam và đòi các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do chất độc hóa học gây ra cho các nạn nhân. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các NNCĐDC/dioxin Việt Nam diễn ra lâu dài, gặp không ít khó khăn, nhưng thông qua đó Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người. Chính phủ Mỹ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoàn thành việc tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, đang thực hiện dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa và thực hiện dự án trị giá 21 triệu USD (giai đoạn 2016-2020) hỗ trợ người khuyết tật ở 6 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam, đồng thời đang triển khai dự án trị giá 65 triệu USD, giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có NNCĐDC ở 8 tỉnh bị phun rải nặng.
Đại hội lần thứ V Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, gắn với kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (10.1.2004 - 10.1.2024) là sự kiện có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của tổ chức hội từ T.Ư đến các hội thành viên trong cả nước; khẳng định vị thế và sức lan toả về uy tín của Hội trong nước cũng như quốc tế.
Phạm Quân Thủy