Hôi của
Sáng ngày 5-7, chiếc tàu vận tải Hải Trường 36 của Công ty vận tải biển Hải Trường vận chuyển 3.000 tấn gạo từ An Giang đi Hải Phòng đã mắc cạn tại vùng biển cách thị xã La Gi (Bình Thuận) khoảng 10 hải lý, hệ thống cân bằng nước của tàu bị thủng. Để tránh việc tàu bị chìm, các thủy thủ đã nhờ lực lượng cứu hộ và ngư dân giúp bốc dỡ bớt hơn 500 tấn gạo để cho tàu nổi…
Nếu câu chuyện chỉ dừng ở đây thì là quá đẹp. Nhưng... theo nguồn tin từ các thủy thủ trên tàu, sau khi được giải phóng bớt hàng, tàu nổi thì lại có một số tàu của người dân địa phương kéo đến, cạy mở hầm hàng tàu 36 lấy gạo và nhiều trang thiết bị của tàu, mặc cho 13 thủy thủ ra sức kêu gọi, can ngăn. Để đảm bảo an toàn cho tàu, các thủy thủ phải cầu viện đến sự trợ giúp của lực lượng công an tỉnh Bình Thuận. Sự việc hiện đang được cơ quan chức năng làm rõ.
“Hôi của” là một tật xấu của người Việt có từ thời xửa thời xưa, rất đáng bị lên án. Khi một ai đó gặp hoạn nạn, thay vì cưu mang giúp đỡ như nhiều người, lại có những kẻ “nhờ gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”, đang tay nhặt nhạnh tài sản của người gặp nạn.
Liên tưởng đến chuyện xảy ra một số vụ “hôi” bia, hoa quả từ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nhiều người “hôi của” đã sám hối, trả lại của cải cho các nạn nhân. Tưởng như sau đó sẽ không còn tái diễn. Ai ngờ…! Buồn, xấu hổ quá đi thôi! Đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng Bình Thuận vào cuộc khẩn trương, giúp các nạn nhân bảo vệ, thu hồi tài sản và quan trọng hơn cả là giữ được tiếng thơm cho đất và người, giữ được nhân cách của người Việt Nam chúng ta là luôn giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn..
Hồng Kỳ