Hỏi chuyện “liệt sĩ” Phạm Đình Sỹ
Vào một ngày đầu Xuân Quý Mão - 2023, tôi đến chúc Tết và trò chuyện với CCB - cựu tù binh Phạm Đình Sỹ tại xóm Đồng Thờm, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Khi được hỏi lúc nhập ngũ, ông trầm ngâm rồi thong thả giãi bày: “Tôi sinh năm 1943, năm nay tròn 80 tuổi. Khi đang là Kế toán tại Nông trường cam Bố Hạ, thì tháng 7-1967 tôi nhập ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện, ngày 30-10-1967, tôi cùng đơn vị được lệnh vào Nam chiến đấu. Sau hơn 6 tháng vượt Trường Sơn, chúng tôi vào đến Bình Long. Vào đơn vị mới, tôi làm trợ lý cho một đơn vị hậu cần Miền. Chủ yếu lo gạo, thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu. Ngày 27-5-1968, trên đường đi lấy gạo, chúng tôi bị lính Úc phục kích. Hai bên nổ súng. Tôi bị thương 3 phát đạn vào tay phải nát cổ tay, tay trái bị đạn bắn đứt ngón tay út nên nay chỉ còn bốn ngón. Mất nhiều máu, quá khát nước, tôi mò mẫm kiếm nước và uống cho đã khát ở một hố bom gần đó. Nhưng càng uống thì máu lại càng ra nhiều, tôi ngất đi không biết gì nữa. Sáng ra, địch thu dọn chiến trường thấy tôi còn sống, chúng đưa lên trực thăng bay về bệnh viện Long Bình cứu chữa. Sau đó, chúng đưa tôi vào Sài Gòn rồi đưa ra đảo Phú Quốc giam giữ.
Khi được hỏi về cuộc sống tù nhân ở nhà tù Phú Quốc, ông chia sẻ: “Trại giam Phú Quốc còn gọi là nhà lao Cây Dừa, trong thời kỳ chống Mỹ vào thập niên 60 của thế kỷ trước được gọi là Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam, hay thường gọi là trại giam tù binh Phú Quốc. Trại giam gồm 12 khu, mỗi khu có 4 phân khu A ,B , C, D. Các phòng giam có chiều dài 20m, rộng 5m có cấu trúc kèo sắt, nóc tôn, vách tôn. Xung quanh đều được rào dây thép gai nhiều lớp. Mỗi khu giam đều có vọng gác, đặt súng đại liên và lính đi tuần liên tục. Nơi đây từng giam giữ hơn 40.000 tù binh. Kể về tội ác tra tấn tù binh có lẽ không ở đâu bằng ở đây. Ví dụ như: Đục răng. Tôi bị tên Phước cai ngục đục 5 chiếc ở cả hai hàm. Những người bị tra tấn kiểu này đều bị ngất ngay tại chỗ, ít người còn tỉnh táo sau khi bị hành hạ. Đóng đinh vào chân, tay, đầu bằng đinh 3 phân đến đinh 10 phân. Thật đau xót sau này quy tập hài cốt liệt sĩ trên hộp sọ vẫn còn đinh ghim trên đầu. Đút tù binh vào bao bố, ném vào vạc nước sôi, thường những người này bị luộc chín và chết ngay tại chỗ sau một hồi giãy giụa. Nhốt hàng chục tù binh vào thùng bằng sắt kiểu thùng côngtennơ, phơi ngoài nắng rồi cho lính gõ bên ngoài. Chúng còn làm “cũi” bằng dây thép gai nhốt tù binh vào đó để phơi nắng. Kích thước “cũi” chiều dài và rộng rất ngắn, hẹp, tù binh cởi trần không thể ngồi thẳng, cũng không thể nằm thẳng mà mỗi chiếc lồng đó có khi chúng nhốt 2-3 người thậm chí nhiều hơn. Nung đỏ dây thép hay thuốn sắt rồi chọc vào đùi, người tù binh. Tôi bị một lần như thế khi chúng chọc vào đùi trái (nói rồi ông cho tôi xem vết sẹo). Trói chân tay tù nhân lại nối với máy rồi quay điện giật. Cho tù nhân nằm trên một chiếc ghế dài bằng gỗ, ép một chiếc ván gỗ khác lên trên thân người rối lấy chày, vồ gõ, hay cho đi “tàu bay”, thấm ướt vải trùm lên mặt rồi tưới nước, cho bóng điện cao áp dí sát mắt, đánh tù nhân bằng đuôi cá đuối, đục xương bánh chè tù nhân… Biết bao kiểu tra tấn nữa mà khi kể ra thật không thể tưởng tượng nổi sự tàn độc của kẻ thù. Đúng là địa ngục trần gian. Hiện nay trên đảo Phú Quốc có dựng lại một số kiểu tra tấn tù binh của Mỹ - ngụy”.
Nói đến Phú Quốc phải nói đến những lần các chiến sĩ của ta đào hầm và vượt ngục. Ông Phạm Đình Sỹ trầm ngâm, xúc động tâm sự: “Đã có biết bao nhiêu bài báo, rồi cả truyền hình nói rồi, đăng rồi. Tôi chỉ nói ngắn gọn là: Việc đào hầm phải tuyệt đối bí mật. Phải chọn vị trí đào cửa hầm, phải có thiết kế hẳn hoi chứ không sẽ đào lệch. Khó khăn nhất là đào xong tẩu tán đất. Lúc thì lợi dụng mưa rải ra dưới giọt mái hiên của nhà tù để nước chảy đi, lúc thì trộn lẫn vào thùng phân, thùng gio bếp đem đi đổ. Dụng cụ đào đất là cà mèn, ca, cóng, muỗng, mẩu dây thép gai… mài giũa tạo thành “xẻng”. Hầm đào chỉ lọt đủ một người chui, càng dài càng thiếu không khí nên phải tạo lỗ thông hơi bí mật. Cai tù ngày đêm theo dõi, dò xét, điểm danh, thậm chí cài chiêu hồi vào và luôn đổi tù nhân các trại nên càng khó khăn. Thời điểm vượt ngục và ai vượt ngục cũng phải tính toán rất cụ thể, chi tiết. Nếu tôi nhớ không nhầm rạng sáng ngày 25-12-1971, đồng đội tôi vượt ngục thoát được 14 người. Tù nhân ở Phú Quốc có nhiều cuộc vượt ngục thành công nhưng cũng có hàng nghìn người mãi mãi nằm lại nơi đây. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, ngày 20-3-1973, tôi được trao trả tại bờ nam sông Thạch Hãn, Quảng Trị”.
Khi được hỏi về Giấy báo tử, cựu từ chính trị Phạm Đình Sỹ trầm ngâm hồi lâu. Trước khi trả lời ông cho tôi xem Giấy báo tử số 587c HB gửi ông Phạm Đình Phức (là bố đẻ) thông báo đồng chí Phạm Đình Sỹ đã hy sinh ngày 27-5-1968 được công nhận là liệt sĩ và được mai táng tại nghĩa trang mặt trận. Giấy đề ngày 19-9-1972, do Thiếu tá Đỗ Lương ký. Ông còn cho tôi xem Quyết định của Ban Thương binh xã hội tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) cấp sổ trợ cấp gia đình liệt sĩ số C3050 QĐ/TT ngày 10-5-1973 do ông Ngô Đạt ký, mỗi tháng được hưởng trợ cấp hai hai đồng một hào mốt. Rồi kể: “Gia đình cho biết, sau khi gia đình nhận được giấy báo tử, chinh quyền xã, thôn tổ chức truy điệu. Và kể từ đó gia đình, người thân, bạn bè đều nghĩ là tôi đã hy sinh và chôn cất tại mặt trận phía Nam. Sau trao trả tù binh tôi trở về thì cảm xúc không có gì tả nổi”.
Về với đời thường, cựu tù nhân, CCB Phạm Đình Sỹ sống cuộc đời thanh thản, gương mẫu, giản dị, trong sáng, luôn giữ đúng bản chất Bộ đội Cụ Hồ, được nhân dân quý trọng, tin yêu.
Đào Hồng