Hội CCB Việt Nam: Xứng đáng là một đoàn thể chính trị-xã hội, hoạt động có hiệu quả
Là một tổ chức thành viên của Mặt trận, 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Ban Bí thư; sự phối hợp, hướng dẫn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội CCB Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mà Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014 đã đề ra. Hội có bước phát triển vững chắc, hoạt động có hiệu quả, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ; tham gia giải quết những vấn đề bức xúc ở cơ sở và hòa giải trong nhân dân; hoạt động tình nghĩa, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống; tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; vận động, tập hợp, phát huy vai trò tích cực của CQN… góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị ở cơ sở. Cụ thể là:
Hội tích cực đã tuyên truyền, giáo dục, động viên hội viên, CCB, CQN phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời vận động các thành viên trong gia đình và nhân dân trong thôn, xóm, khu dân cư tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Triển khai có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều tấm gương CCB đã có tác dụng lôi cuốn không chỉ hội viên của Hội mà còn lôi cuốn các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, làm cho cuộc vận động đi vào thực tế cuộc sống và có hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận của xã hội, nhất trí, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với các tư tưởng sai trái, thù địch, giữ vững ổn định tình hình chính trị từ cơ sở, cũng như trên phạm vi toàn quốc.
Các cấp Hội động viên hội viên và CCB gương mẫu tham gia các phong trào, các cuộc vận động cách mạng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; gương mẫu trong việc cưới, việc tang và trong lễ hội.
Trong Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhiều CCB đã hiến đất làm đường, làm trường, làm nhà văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện ở nhiều địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Thực hiện chủ trương “xóa đói, giảm nghèo” của Đảng và Nhà nước, Hội đã tổ chức, động viên hội viên và CCB nêu cao ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, không cam chịu đói nghèo, vượt khó đi lên.
Đến nay về cơ bản Hội CCB không còn hộ đói, số hộ nghèo còn khoảng 7,6%, hàng triệu gia đình hội viên có mức sống từ khá trở lên, nhiều gia đình hội viên trở thành những gia đình giàu có, nhiều hội viên trở thành những doanh nhân quản lý và kinh doanh giỏi. Toàn Hội hiện có gần 5.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 1.300 hợp tác xã, 5.600 tổ hợp tác, 36.000 trang trại do CCB là chủ, tạo công ăn việc là cho gần 50 vạn lao động là CCB, CQN và con em các gia đình chính sách.
Những việc làm và kết quả hoạt động làm kinh tế của Hội viên đã góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước của nhân dân ta trong thời kỳ mới.
Hội phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận chăm lo việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với CCB và gia đình chính sách, thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
Với chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CCB, các cấp Hội đã kịp thời phổ biến và tư vấn, giải đáp những vướng mắc về chế độ, chính sách đối với CCB.
Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ở các cấp thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành đối với CCB và gia đình chính sách, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Qua thực hiện đã phát hiện những vấn đề bất hợp lý, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Phối hợp với các tổ chức thành viên phát hiện, xác minh, tham gia giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh; tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ, giải mã phiên hiệu đơn vị; thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách với người có công; tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; ủng hộ, giúp đỡ CCB, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… góp phần ổn định đời sống vật chất, đoàn kết gắn bó nghĩa tình giữa hội viên với nhau và giữa hội viên với tổ chức Hội và giữa các tầng lớp nhân dân.
Thường trực TƯ Hội chỉ đạo các cấp Hội động viên hội viên và CCB thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, tăng cường giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là khi Hiến pháp năm 2013 và các Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị khóa XI được ban hành.
Trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và bầu cử Quốc hội khóa XIII đã có hàng vạn lượt ý kiến tâm huyết của CCB đóng góp vào các văn kiện Đại hội và nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội.
Toàn Hội hiện có hàng chục vạn hội viên được bầu vào các cấp ủy đảng, trong đó có 39,5% bí thư, 41,2% phó bí thư đảng bộ cơ sở; gần 60% bí thư chi bộ; gần 10 vạn hội viên được bầu tham gia công tác chính quyền các cấp. Đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và khối đại Đoàn kết toàn dân tộc.
Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các cấp Hội và hội viên đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết, từ đó tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho tập thể cấp ủy và cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, nhất là những người đứng đầu.
Các ý kiến tham gia đều với tinh thần thẳng thắn, chân thành, trung thực, có cơ sở và chứng lý rõ ràng, mang tính xây dựng. Nhiều nơi cấp ủy Đảng đã lấy ý kiến của Hội CCB làm cơ sở cho việc sinh hoạt phê bình, tự phê bình, giúp cho việc tổ chức thực hiện Nghị quyết ở cơ quan, đơn vị, địa phương đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Hội CCB phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu đúng lịch sử, hun đúc lòng yêu nước, yêu chế độ, nêu cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đồng thời định hướng mục tiêu, lý tưởng, xây dựng nếp sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.
Về mục tiêu và 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2014-2019 mà báo cáo đã nêu, chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động nêu trên, chúng tôi đề nghị:
Một là: Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam căn cứ vào từng chương trình hành động để có các chỉ tiêu, phong trào cụ thể cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đất nước, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Mặt khác các tổ chức thành viên phải tăng cường phối hợp và đề cao trách nhiệm của tổ chức mình trong việc thực hiện, có như vậy mới làm cho các chương trình nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Hai là: Để vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh phải coi trọng hơn nữa việc phát huy dân chủ, phải tạo cơ chế tốt hơn cho việc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý.
Trên cơ sở quy định, quy chế của Đảng, Mặt trận cần tham mưu cho cấp có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước ban hành, bổ sung, hoàn thiện các luật, quy định, điều kiện bảo đảm để Mặt trận và các tổ chức thành viên có đầy đủ cơ sở thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở các cấp.
Coi trọng và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, trong cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, có như vậy mới tạo được niềm tin và động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.
Ba là: Để tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận phải thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phải chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Muốn vậy, Mặt trận cần có tiếng nói mạnh mẽ để những quyền con người, quyền công dân được ghi trong Hiến pháp năm 2013 được thực thi đầy đủ trong cuộc sống. Đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải tôn trọng và chân thành lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, kể cả ý kiến trái chiều, miễn là không vi phạm pháp luật. Mặt trận không chỉ lắng nghe, thấu hiểu, mà còn phải có hành động bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân.
Bốn là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên ở các cấp. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên với nhau, phát huy sự sáng tạo, chủ động của từng đoàn thể, chống hành chính, quan liêu trong công tác vận động quần chúng. Kiến nghị với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho Mặt trận và các tổ chức thành viên đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, nhất là về tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ.
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới”, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Nghị quyết của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.
**Trung tướng Nguyễn Song Phi Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam **