Hội CCB Việt Nam thực hiện ủy thác cho vay tín dụng chính sách: Kênh dẫn vốn hiệu quả, tin cậy cho hội viên và nhân dân
Nhờ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH qua Hội CCB, bà Hoàng Thị Minh (thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đầu tư chăn nuôi trâu, thả cá, trồng rừng.
Để đánh giá những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Ngân hàng CSXH phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội (T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội CCB Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) vừa tổ chức cuộc họp giao ban ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ghi nhận hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức trong giải ngân nguồn vốn chính sách nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tính đến ngày 31-7-2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 286.300 tỷ đồng, tăng 29.950 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng dư nợ đạt 273.458 tỷ đồng, tăng 25.549 tỷ đồng so với cuối năm 2021, với gần 6,5 triệu hộ vay. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 267.962 tỷ đồng, chiếm 97,99% tổng dư nợ, tăng 23.268 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội CCB Việt Nam đạt 45.529 tỷ đồng, với 1.080.436 hộ vay, thuộc 29.908 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV); nợ quá hạn là 0,22% (giảm 0,03% so với năm 2021).
Hội CCB Việt Nam có hơn 3 triệu hội viên, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8,1% trong tổng số hội viên của 4 tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng CSXH tham gia hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách, nhưng dư nợ ủy thác của Hội đạt tới 16,99% tổng dư nợ ủy thác. Ngoài ra, còn có nhiều hội viên được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ TKVV khi tham gia sinh hoạt ở Hội Phụ nữ, Hội Nông dân. Với tinh thần trách nhiệm, uy tín trong cộng đồng, các cấp Hội CCB tích cực hỗ trợ hội viên và nhân dân được vay vốn phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên hội viên là hộ nghèo, thương binh, bệnh binh, Người có công với cách mạng.
Ngay từ đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, T.Ư Hội CCB Việt Nam nhanh chóng xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ công tác kinh tế tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc và tập huấn giảm nghèo bền vững cho CCB 4 tỉnh Cao Bằng, Phú Yên, Ninh Thuận, Cà Mau. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức 250 lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn cho 7.750 cán bộ, hội viên và Tổ trưởng Tổ TKVV; cùng với Sở LĐTBXH tổ chức 235 lớp tập huấn xóa đói, giảm nghèo cho 7.125 cán bộ, hội viên; kết hợp với Ngành nông nghiệp địa phương tổ chức 225 lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 6.630 cán bộ, hội viên CCB. Kết hợp vay vốn từ các tổ chức tín dụng và xây dựng dựng Quỹ nội bộ Hội giúp nhau không tính lãi hoặc lãi xuất thấp, đến nay các cấp Hội đã vay được 65.500 tỷ đồng giúp hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho 62.450 lao động.
Trong công tác giúp đỡ hội viên CCB phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xóa nghèo, nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH phát huy hiệu quả thiết thực trong toàn Hội. Hội CCB T.P Hải Phòng thực hiện ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH cho 16.238 hộ với số vốn vay dư nợ hơn 577 tỷ đồng, giải quyết việc làm 22.150 lao động là con em hội viên và nhân dân địa phương. Tổng số vốn vay của Hội CCB tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 1.713 tỷ đồng. Các cấp Hội CCB tỉnh Bắc Kạn đang quản lý gần 300 Tổ TKVV do Ngân hàng CSXH ủy thác với hơn 19.900 hộ vay, tổng dư nợ đạt hơn 402 tỷ đồng. Hội CCB tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân cho 12.856 hộ vay, số tiền hơn 381 tỷ đồng…
Sự chặt chẽ trong việc phối hợp với Ngân hàng CSXH, tính hiệu quả của các Tổ TKVV và sự sát sao trong hoạt động kiểm tra, giám sát đã giúp hội viên Hội CCB và nhân dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH thực sự là “đòn bẩy” giúp nhiều hội viên và người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đảm bảo cuộc sống gia đình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Hồ Thanh Hương