Hội CCB tỉnh Sóc Trăng giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi: Hiệu quả từ vốn vay ưu đãi
Nhờ nuôi bò sữa, gia đình CCB Trần Văn Chiến ở ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống dần tốt lên.
Nhiều năm qua, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” các cấp Hội CCB tỉnh Sóc Trăng có sức lan tỏa sâu rộng, được đông đảo CCB hưởng ứng, giúp hàng nghìn hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và đẩy lùi đói nghèo.
Điểm nổi bật trong tham gia xóa đói, giảm nghèo của Hội CCB tỉnh là các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo vàđối tượng chính sách. Hội CCB các cấp tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên vay vốn hơn 963 tỷ đồng, xây dựng nhiều mô hình kinh doanh giỏi do hội viên CCB làm chủ; tạo việc làm cho 16.400 lao động là CCB, con em CCB.
Trong năm 2022, các cấp Hội vận động hội viên góp vốn nội bộ được hơn 1 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn lên trên 14 tỷ đồng, giúp cho 1.848 lượt hộ hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Nhiều hội viên có điều kiện kinh tế cũng tích cực giúp đỡ, hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm, ngày công lao động cho những hội viên nghèo…
Hội CCB vận động các nguồn quỹ xây dựng 115 căn nhà cho hội viên khó khăn về nhà ở (đạt 180%), giảm được 220 hộ hội viên nghèo (đạt 200%), đến nay còn 830 hộ nghèo (chiếm 4,6%). Thực hiện phong trào sản xuất quanh nhà để cải thiện đời sống do Hội CCB tỉnh phát động, đã có 98,15% hội viên có điều kiện đất đai, ao hồ tham gia, tổng thu nhập trong năm trên 32 tỷ đồng (đạt 174%) bình quân trên 750.000 đồng/hội viên/tháng.
Được biết đến như là “điểm sáng” trong thực hiện hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, những năm qua, Hội CCB huyện Trần Đề tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho hội viên về công tác xóa đói, giảm nghèo với các nội dung: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; kinh nghiệm quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả... Nhờ đó, nhiều hội viên nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, sản xuất, kinh doanh giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch Hội CCB huyện Trần Đề, đồng chí Phạm Hữu Lắm cho biết: “Bên cạnh xây dựng, bảo vệ an ninh, trật tự địa phương, Hội CCB huyện còn động viên hội viên nêu cao tinh thần tự lực, tự cường giúp nhau làm kinh tế. 5 năm qua xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình nuôi tôm thẻ, nuôi bò sữa; mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi yến; mô hình nuôi bò, heo; mô hình gia công các loại: sắt, nhôm, inox... cho thu lãi từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng/mô hình.
CCB Trần Văn Chiến - thành viên Tổ hợp tác nuôi bò sữa ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề nuôi bò sữa từ năm 2009 theo tập quán cũ. Chưa nắm vững kỹ thuật nên đàn bò của anh thường xuyên mắc bệnh, thiếu chất dinh dưỡng, cho năng suất và chất lượng sữa thấp. Năm 2015, khi Dự án phát triển và chăn nuôi bò sữa của tỉnh Sóc Trăng được triển khai, anh Chiến tham gia dự án và được hỗ trợ bò giống F1, kỹ thuật chăm sóc. Anh mua thêm 2 con giống F1, mỗi con 25 triệu đồng. Đến nay, anh đã phát triển đàn bò được 12 con, trong đó có 6 con đang cho sữa khoảng 80kg/ngày, với giá bán 14.000 đồng/kg. Cùng với sở hữu 8 công đất trồng lúa, 2 công đất trồng cỏ nuôi bò, thu nhập bình quân trên 250 triệu đồng/năm. Có nguồn thu ổn định, cuộc sống gia đình anh Chiến dần khá lên.
Với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, nhiều mô hình phát triển kinh tế của CCB Sóc Trăng đã không ngừng được nhân rộng, đời sống vật chất và tinh thần của CCB không ngừng được nâng cao.
Đồng chí Lê Trung Hậu - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Để xóa nghèo thực chất, Hội CCB cơ sở đã tham gia cùng với chính quyền, các đoàn thể xác định đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của Ngân hàng CSXH để việc bình xét đối tượng vay vốn đều đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ. Cũng nhờ có hoạt động uỷ thác với Ngân hàng CSXH, tổ chức Hội CCB đã thu hút ngày càng đông đảo hội viên gắn bó với tổ chức Hội, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Phương Nghi