Hội CCB tỉnh Quảng Bình: Phát huy thế mạnh từng gia đình và địa phương

Các cấp Hội khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, như Quỹ “Đồng đội”, Quỹ “Nội bộ”, vay các ngân hàng; hiệu quả nhất là Ngân hàng CSXH với tổng số dư nợ 326,6 tỷ đồng. Các hộ nghèo khi được vay vốn đã làm quen với hoạt động tín dụng, biết sử dụng tiền vay để đầu tư sản xuất kinh doanh. Các cơ sở Hội tổ chức được 75 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; trao đổi, học tập kinh nghiệm làm kinh tế cho hàng trăm lượt người. Hội viên có vốn, có kiến thức đã tập trung vào các mặt hàng mà gia đình, địa phương mình có lợi thế, hướng đến sản xuất đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường như nuôi vịt trời, lợn rừng, nhím, nuôi trồng thủy sản, trồng loại cây quý hiếm… Trong 5 năm, Tỉnh hội giảm được hơn 3.500 hộ nghèo (chỉ còn hơn 2.300 hộ, chiếm 4,42%). Cùng với xóa nghèo, Hội xóa được 222 nhà tạm, vận động các nhà hảo tâm và hội viên đóng góp xây dựng 47 nhà tình nghĩa cho hội viên có khó khăn.
Hội CCB phát triển nhiều mô hình trang trại, gia trại, HTX, tổ hợp tác, các doanh nghiệp, dịch vụ… Đến cuối năm 2015, Tỉnh hội có 101 trang trại, 139 gia trại, 14 HTX, 15 tổ hợp tác, 132 doanh nghiệp, 116 cơ sở dịch vụ, tạo việc làm cho gàn 3.300 lao động. Điển hình như CCB Trương Hoằng (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) mạnh dạn vay vốn, thuê đất bỏ hoang của xã, đầu tư trên 1,8 tỷ đồng làm kinh tế VAC. Trang trại của anh thường xuyên có 60-80 con lợn, 8-10 con bò, 800 - 1.000 con gà, vịt và 1,5ha mặt nước nuôi cá, 3 máy gặt đập liên hoàn. Hằng năm thu hoạch 20 tấn thịt, cá, 140-150 tấn thóc, giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hơn 1.000 công theo mùa vụ. CCB Trương Hoằng được T.Ư Hội tặng Bằng khen về điển hình làm kinh tế giỏi. Thương binh Bùi Tiến Cảm (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh). Hoàn cảnh khó khăn, Hội CCB cho vay 40 triệu đồng, thêm sự hỗ trợ của đồng đội, người thân, ông đầu tư trồng 2 sào cây thanh long ruột đỏ, đào 2 ao cá 1.500m2, trồng 100 gốc tre lấy măng, nuôi 60 con dê sinh sản, thu 50-60 triệu đồng/năm, có tiền trả nợ và phát triển sản xuất, bước đầu thoát nghèo. CCB Võ Xuân Huề (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), vay vốn đóng 4 con tàu trị giá 5 tỷ đồng, thành lập Công ty TNHH Xuân Huề làm dịch vụ nghề cá, hỗ trợ cho ngư dân 60.000 lít dầu đánh bắt xa bờ, tạo việc làm cho 22 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng/người. Hằng năm Công ty thu lãi 400 triệu đồng, ông còn giúp đỡ nhiều đồng đội làm ăn và làm từ thiện.
Phát huy thế mạnh từng gia đình, từng địa phương, Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội CCB Quảng Bình đã và đang phát huy hiệu quả, sôi nổi trong các cấp Hội và hội viên. Hội đã xóa hết hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, hộ giàu, làm cơ sở xây dựng Hội “Trong sạch vững mạnh”, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hải Ninh