Hội CCB tỉnh Lạng Sơn : Vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu (16/02/2012)

Thực hiện Nghị quyết chuyên đề III (khóa III) của BCH T.Ư Hội CCB Việt Nam về giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo đời sống hội viên và động viên CCB tham gia ở địa phương, thực hiện Nghị quyết Đại hội CCB tỉnh Lạng Sơn khóa IV, những năm qua, các cấp Hội đã có nhiều cố gắng trong việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và Hội cấp trên về giao nhiệm vụ phát triển kinh tế nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xóa nhà dột nát cho hội viên CCB; động viên các thế hệ CCB phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng ý chí và nghị lực khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Hàng năm, công tác chỉ đạo của Ban thường vụ và thường trực Tỉnh hội được thực hiện thường xuyên. Cụ thể, Tỉnh hội chỉ đạo các cấp Hội tập trung quán triệt và tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Hội cấp trên về nhiệm vụ phát triển kinh tế nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, từ đó tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động phát triển KTXH của địa phương. BCH Tỉnh hội có nghị quyết lãnh đạo, thường trực xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế giảm tỷ lệ hộ nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng các mô hình kinh tế và dựng quỹ Hội cho các Huyện, Thành hội.

Chỉ đạo các Huyện hội, Thành hội xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo, xóa nhà dột nát cho hội viên, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng đơn vị. Có các giải pháp cụ thể phù hợp với từng địa phương, thiết thực, hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Nghị quyết BCH Tỉnh, Huyện hội đã đề ra. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với các cấp Hội, kịp thời đưa ra các giải pháp cụ thể giúp đỡ các đơn vị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ nguồn kinh phí cho những đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo cao, có số nhà dột nát lớn, khó khăn về nguồn vốn để có thêm cơ hội phát triển. Chỉ đạo Hội CCB các huyện, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH để tận dụng khai thác các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của Chính phủ và của địa phương, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hội viên có điều kiện làm kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Hội, trong những năm qua số hộ nghèo đã giảm đi đáng kể. Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo là 14,32%, đến năm 2010 giảm xuống còn 8,23%. Số hộ khá, giàu năm 2007 là 456 hộ, đến năm 2010 là 944 hộ. Trong việc giải quyết việc làm, các cấp Hội cũng đã thực khá hiệu quả, kết quả giải quyết việc làm 5 năm qua từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Từ vốn hỗ trợ việc làm, đã cho 46 hộ vay, tạo việc làm thêm được 191 lao động; từ vốn ủy thác hộ nghèo đã cho 7.254 hộ vay, tạo việc làm mới cho 2.674 lao động; từ vốn vay các chương trình khác, đã cho 248 hộ vay, tạo việc làm thêm cho 310 lao động. Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn cho về xóa đói giảm nghèo (121 lớp); tổng số xã đặc biệt khó khăn được tập huấn 58 xã. Tập huấn nâng cao kiến thức vay vốn được 89 lớp; số người tham dự 1.376 người. Tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được 104 lớp, số người tham dự là 2.854 người. Ngoài ra, Hội cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, ủng hộ thiên tai, bão lụt; ủng hộ quỹ vì người nghèo; ủng hộ quỹ khuyến học và các hoạt động khác với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Trong 5 năm qua (2007 - 2012), phong trào “CCB giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo làm kinh tế giỏi” đã có những chuyển biến tích cực. Khắc phục khó khăn không cam chịu đói nghèo vươn lên trong cuộc sống, từng hội viên CCB đã chủ động phát triển kinh tế với nhiều hình thức phong phú đa dạng, tạo được nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cho thị trường. Từ chỗ chỉ khép kín trong từng hộ gia đình, dần dần chuyển sang thành lập tổ hợp tác, công ty TNHH, công ty cổ phần, liên doanh liên kết với nhiều thành phần kinh tế khác. Từ sản xuất độc canh đã chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Những kết quả trên đã đem lại lợi ích thiết thực cho CCB, đồng thời thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển đi lên, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, phát triển KTXH của địa phương.

Bài và ảnh: Lê Thanh