HỘI CCB TỈNH LẠNG SƠN: Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Trong những năm qua, kết quả giảm nghèo đều đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ các cấp đề ra. Tuy nhiên chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao ở những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nguyên nhân do các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai chưa đồng bộ; chính sách, giảm nghèo chủ yếu là ngắn hạn và còn chồng chéo; nguồn lực cho giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu và còn phân tán; thiếu các giải pháp cụ thể, gắn kết thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới chưa đồng bộ...
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững và đạt mục tiêu Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 23-8-2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về đẩy mạnh công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh xây dựng Chương trình phân công giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo giai đoạn 2014-2020. Đặc biệt để giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số, Lạng Sơn có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc:
Để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, Lạng Sơn đã huy động mọi nguồn lực và triển khai, thực hiện lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vay vốn và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn... Tỉnh tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là tại địa bàn 2 huyện Bình Gia, Đình Lập và một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc các huyện khác. Tỉnh lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội khác. Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao KHKT, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định. Tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, tỉnh chú trọng thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo... Song song với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo mới thoát nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn...
Năm 2017, tỉnh Lạng Sơn nỗ lực hoàn thành kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% trở lên; đảm bảo trên địa bàn tỉnh không còn hộ người có công với cách mạng và hộ có thành viên đang hưởng chính sách ưu đãi người có công là hộ nghèo; đảm bảo 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.
Qua những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn tỉnh, có thể nói nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về chương trình giảm nghèo từng bước được nâng cao; cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện đáng kể, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Dương Sơn