Đồng chí Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng (thứ ba trái sang), trao Bằng khen của BCH T.Ư Hội CCB Việt Nam cho CCB Bùi Văn Lục - Phó chủ tịch Hội CCB xã Rô Men, huyện Đam Rông đã có thành tích trong phong trào “CCB giúp nhau xóa nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021.

Đó là khẳng định của đồng chí Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng về thực hiện phong trào “Xóa đói, giảm nghèo” của Hội giai đoạn 2016-2021. Hội xây dựng gần 4.700 mô hình sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 16.500 lao động; hộ nghèo giảm từ 0,91% (năm 2016) xuống còn 0,14% (năm 2021); hộ khá và giàu chiếm 71,3%; đời sống hội viên ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Để có được kết quả trên, Hội CCB tỉnh triển khai kịp thời nhiều chính sách mới của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; thực hiện nhiều dự án, mô hình hay, phù hợp với điều kiện địa phương. Khuyến khích hội viên phát huy tính chủ động, sáng tạo dám nghĩa, dám làm và làm giàu trên chính quê hương Lâm Đồng.

CCB Lê Quang Mạnh - Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Trọng chia sẻ: Nắm được thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, phù hợp trồng các loại nông sản có giá trị cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, như bò giống sinh sản, bò sữa..., Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện, mở 8 lớp tập huấn tại các cụm xã, cho hơn 300 lượt cán bộ, hội viên, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ 240 hộ hội viên vay vốn từ Ngân hàng CSXH và quỹ Hội, giúp CCB phát triển kinh tế gia đình. Hội CCB huyện mua 16 bò sinh sản giúp cho hội viên nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở 15 tổ chức cơ sở, hiện phát triển lên hơn 40 con. Nhiều CCB vươn lên thoát nghèo, tiêu biểu như: CCB Lê Thị Hợi, xã Đà Loan, năm 2018 tự xin thoát nghèo, đến nay đã có cuộc sống ổn định; CCB Lương Minh Tời, xã Ninh Loan, từ nuôi 1 con bò, nay phát triển thành 4 con bò... Hội CCB huyện Đức Trọng phấn đấu đến hết năm 2021 không còn hộ nghèo.

CCB Lê Thị Bằng - Chủ tịch Hội CCB xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tâm sự: Nhằm giúp hội viên đẩy mạnh hơn phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Hội CCB xã thành lập tổ hợp tác: “Cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch”. Tổ hợp tác chủ động liên kết với Công ty sản xuất phân bón, thu mua nông sản sạch để học hỏi kinh nghiệm chuyển giao KHKT chuyển đổi cây trồng, xen canh gối vụ cây chanh không hạt có giá trị kinh tế cho bà con, đồng thời có nguồn vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, giá  phù hợp, tránh  hàng giả, kém chất lượng. Hiện CCB đã đăng ký trồng 12ha chanh không hạt; tổ hợp tác ký hợp đồng đợt 1 mua 8.000 cây giống cho hội viên...

Điển hình, như ở thị trấn Di Linh có CCB Đặng Văn Sửu - hội viên tổ dân phố 12. Ông Sửu trồng cà phê, mở dịch vụ nấu ăn phục vụ tiệc cưới, năm 2014, nhận thấy nhu cầu về trang trí nội thất đồ gỗ ở thị trấn ngày càng lớn, ông tự học kỹ thuật ngành gỗ mỹ nghệ, mượn thêm vốn của Hội, bạn bè thành lập cơ sở sản xuất mang tên “Xưởng gỗ mỹ nghệ Ngọc Biên”, sản phẩm làm ra đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường, lợi nhuận thu về từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 8 đến 10 lao động là hội viên và con em CCB.

Đồng chí Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng cho biết: 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các cấp Hội. Để phong trào “Xóa đói, giảm nghèo” đạt hiệu quả cao, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên phát triển kinh tế gia đình, khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp, chăm lo, giúp đỡ hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi chi Hội, mỗi cơ sở Hội tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hội tổ chức cho các cấp Hội ký cam kết thực hiện từ cơ sở, quyết tâm năm 2021, toàn tỉnh không còn hội viên CCB nào là hộ nghèo để thực hiện tiêu chí “Đã là CCB không để đói nghèo”.

 Thúy Hương