Hội CCB tỉnh Lai Châu: Tích cực tham gia phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
CCB tỉnh Lai Châu tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Những năm gần đây, do sự du nhập và phát triển của các tôn giáo, đặc biệt là đạo Tin lành và các hiện tượng tôn giáo mới, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng có những biến động lớn, làm xuất hiện những biểu hiện mới trong quan hệ dân tộc - tôn giáo. Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc, hơn 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, gồm các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Si La.
Nếu như trước đây, một số địa phương có hoạt động tôn giáo phức tạp, xảy ra hiện tượng truyền đạo trái pháp luật, thì đến nay, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã cơ bản ổn định; an ninh, chính trị, xã hội bảo đảm. Lợi dụng đời sống của bà con người dân tộc còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số đối tượng ở nước ngoài cấu kết với các phần tử phản động trong nước tuyên truyền tà đạo, đặc biệt là tà đạo “Bà cô Dợ” do đối tượng Vừ Thị Dợ (người Mông, sinh sống tại Mỹ) lập ra ở huyện Mường Tè. Đây là hình thức biến tướng lợi dụng giáo lý đạo Tin lành xuyên tạc Kinh Thánh, dụ dỗ, lôi kéo một số người dân nhẹ dạ cả tin tham gia thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”.
Nhờ phòng ngừa từ sớm, từ xa nên chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của tỉnh đã giải quyết nhanh chóng vụ việc mất an ninh trật tự, đưa tình hình trở lại bình thường. Các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo và chấp hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quyền lợi của tín đồ, chức sắc điểm nhóm tôn giáo được cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, đảm bảo. Các tổ chức tôn giáo hoạt động theo phương châm “Đồng hành cùng dân tộc” được đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước.
Căn cứ các quy định của pháp luật, tỉnh chấp thuận thành lập 2 tổ chức tôn giáo trực thuộc (Giáo hội Phật giáo tỉnh Lai Châu, Giáo xứ Lai Châu); chấp thuận thành lập Ban Đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Từ năm 2017-2022, tỉnh cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 38 điểm nhóm nâng tổng số điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của toàn tỉnh lên 102 điểm nhóm.
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo được thực hiện các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trong đó, Hội CCB tỉnh Lai Châu là đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đóng góp quan trọng trên mặt trận tư tưởng đặc biệt này. Hội có 585 cán bộ, hội viên tham gia cấp ủy đảng các cấp; 47 cán bộ, hội viên là đại biểu HĐND các cấp.
Đồng chí Mùa A Trá - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lai Châu, cho biết: "Đối với tỉnh Lai Châu, những hoạt động Tin lành trên địa bàn tỉnh được Nhà nước quan tâm. Tỉnh đồng bộ thực hiện các giải pháp, tạo điều kiện để đạo Tin lành hoạt động theo khuôn khổ pháp luật và quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào. Thông qua các cuộc giám sát, phản biện xã hội, tham gia các buổi tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và của chính những điểm nhóm đạo hoạt động chân chính, cán bộ Hội các cấp đã giúp người dân, tín đồ nhận thấy rõ bản chất thâm độc, đen tối của tà đạo; phối hợp cùng các Đồn Biên phòng tuần tra biên giới; chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên; phối hợp tham gia giáo dục truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội…”.
Các điểm, nhóm đạo trên địa bàn được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước. Các chức sắc, chức việc hướng dẫn người dân, tín đồ có đạo sống “kính Chúa, yêu nước, thực hiện bác ái, tự do bình đẳng và lao động theo quy định của pháp luật”. Vào các ngày lễ trọng như: Lễ Nô-en, Lễ Phục sinh..., Hội phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tới chúc mừng và tham dự tại một số cơ sở tôn giáo, điểm nhóm tôn giáo…
Sự xuất hiện của tà đạo tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống xã hội, gây bức xúc trong cộng đồng, gây khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội; làm thay đổi, xáo trộn về nếp sống, tập quán truyền thống; xâm phạm về tài sản, tiền bạc, vật chất, thời gian lao động, thậm chí xâm phạm cả nhân phẩm của con người; chia rẽ mối đoàn kết trong dân cư, đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Vì vậy, việc ngăn chặn truyền bá tà đạo phải được phát hiện từ sớm, mà trước hết là phải dựa vào nhân dân, nâng cao nhận thức cho người dân.
Cùng với phát huy vai trò của mỗi tổ chức Hội trong công tác quản lý và giáo dục, bản thân từng hội viên CCB phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, kiên quyết nói không với các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp; tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, giáo dục truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, tránh xa những cám dỗ không lành mạnh. Các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể giúp đỡ các tôn giáo chính tông hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thanh Hương