Hội CCB tỉnh Bến Tre: Mô hình CLB CCB “Giúp nhau thoát nghèo” (29/05/2013)
Thông qua CLB CCB “Giúp nhau thoát nghèo”, các hộ hội viên đã được giúp đỡ vốn, cách sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm như học nghề miễn phí, làm xí nghiệp may, đan giỏ cọng dừa, sửa chữa ghe... cải thiện cuộc sống.
Hỗ trợ “cần câu”
CCB, thương binh Nguyễn Thị Tâm, ngụ ở ấp Phú Đông 2, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn: nhà nghèo, không có đất sản xuất, đông con, chồng thường hay bệnh, mất khả năng lao động... Chị phải tự bươn chải nuôi sống gia đình qua ngày. Những năm gần đây, gia đình chị đã được CLB CCB “Giúp nhau thoát nghèo” xã An Định nhận đỡ đầu thì cuộc sống đã có nhiều cải thiện đáng kể. Chị được CCB Trần văn Thứ, chủ nhiệm CLB giúp vốn sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, đồng thời được giới thiệu nhận hàng đan giỏ cọng dừa, cho thu nhập khá. “Nhờ sự giúp đỡ của ông Thứ cũng như CLB mà gia đình tôi thoát nghèo, có việc làm ổn định, thu nhập khá, lo cho con đi học, cất lại nhà đàng hoàng, cuộc sống ổn định”, chị Tâm nói.
Hội CCB xã An Định là một trong những đơn vị có nhiều cách làm hay và đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của tỉnh Bến Tre. Chỉ tính trong 2 năm 2011-2012 CLB CCB “Giúp nhau thoát nghèo" của xã đã vận động các doanh nghiệp, xí nghiệp đóng trên địa bàn nhận đỡ đầu cho 27 hộ nghèo, tạo việc làm cho 41 con em CCB, giới thiệu cho 53 lao động nghèo có việc làm ổn định và xây dựng 7 căn nhà đồng đội. Theo ông Trần văn Rép, Bí thư Đảng ủy xã: “Để XĐGN bền vững trước hết các thành viên ban chủ nhiệm CLB phải tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của từng hộ hội viên nghèo, đồng thời xác định nhu cầu cần hỗ trợ. Trong quá trình nhận đỡ đầu giúp đỡ, CLB không cho các hộ nghèo “cá” mà chỉ hỗ trợ “cần câu”. Các hộ nghèo không được hỗ trợ nhiều tiền mặt mà chủ yếu bằng nhiều cách như tạo nghề, phương tiện làm ăn, con giống sản xuất... Ngoài ra, khi đã nhận giúp đỡ thì các thành viên trong CLB phải thường xuyên xuống từng hộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn để có cách giúp đỡ thiết thực nhất, Đến thời điểm này, xã An Định đã thoát nghèo 10/27 hộ hội viên CCB.
Mô hình CLB nhanh chóng lan tỏa
Theo ông Quốc Việt, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre, để nâng cao hiệu quả trong XĐGN, các CLB cần vận động các doanh nghiệp “giúp sức” cho các hộ nghèo. Nhờ cách làm đa dạng, đầy tính nhân văn nên số hộ hội viên nghèo ở xã An Định và nhiều địa phương khác trong tỉnh gần đây giảm khá nhanh. Đáng mừng hơn, mô hình CLB CCB “Giúp nhau thoát nghèo” đã nhanh chóng lan tỏa trong toàn tỉnh như các mô hình “Nải chuối tình thương” (ở Mỏ Cày Bắc), “Trái dừa nghĩa tình” (ở Châu Bình, huyện Giồng Trôm), "Một ký chôm chôm tình thương" của (huyện Chợ Lách)... Đặc biệt là mô hình “5+1” (tức là 5 hội viên khá hỗ trợ giúp 1 hội viên nghèo lên khá, hoặc 5 hội viên giàu giúp 1 hội viên khá lên giàu). Mô hình này đã được nhân rộng lên 262 mô hình đạt hiệu quả thiết thực trong toàn tỉnh Bến Tre.
Hiện nay, Hội CCB tỉnh Bến Tre coi mô hình CLB CCB “Giúp nhau thoát nghèo” trở thành phong trào điểm trong cán bộ, hội viên CCB. Hội CCB tỉnh tiếp tục phát động sâu rộng phong trào này đến các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở. Mục tiêu đề ra đến cuối năm 2013 giảm 20% số hộ hội viên nghèo (khoảng 350 hộ) và kiên quyết không để tái nghèo. Ông Quốc Việt cũng chia sẻ: “Hội CCB tỉnh Bến Tre coi mô hình CLB CCB “Giúp nhau thoát nghèo” là cách làm hay, thiết thực để quán triệt cho cán bộ, hội viên CCB thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4.
Bài và ảnh: Lê Hồng Lâm