5 năm qua, Hội CCB tỉnh triển khai với nhiều hình thức như tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức KHKT. Tạo các nguồn vốn được gần 59 tỷ đồng giúp hội viên phát triển SXKD. Tổ chức tham quan các mô hình kinh tế làm kinh tế giỏi, để từ đó mỗi hội viên sẽ áp dụng xem mô hình nào phù hợp với mình... Những nỗ lực của Hội CCB đã cho “trái ngọt”, đời sống của hội viên được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo từ 5,10% năm 2011, xuống 1,7% năm 2015, giảm được 3,4%; hội viên có đời sống khá, giàu chiếm 70%. Nhiều chi hội không còn hộ nghèo, như Hội CCB các xã Thất Hùng, Thượng Quận, thị trấn Kinh Môn… Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào, BCH Huyện hội đã tặng Giấy chứng nhận “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” cho 55 CCB; 3 tập thể, 15 cá nhân được tặng Bằng khen và Giấy khen của huyện.
Đồng chí Nguyễn Vĩnh Sơn-Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Kinh Môn đánh giá: Qua các mô hình phát triển hiệu quả, càng thấy vai trò không thể thiếu của CCB trong phong trào “CCB xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Điển hình như hội viên Nguyễn Thị Bình, Hội CCB thị trấn Minh Tân, trở về đời thường chị luôn khao khát làm giàu trên chính quê hương. Từ năm 1995 đến nay, từ một hộ kinh doanh cá thể, chị thành lập Doanh nghiệp thương mại Bình Minh, chuyên vận tải hàng hóa, sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình dân sinh, giao thông, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, 40 lao động thời vụ đều là con em CCB…; thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Khi thấy nguồn thực phẩm trên thị trường không đảm bảo VSATTP, tổn hại đến sức khỏe mọi người, năm 2008 chị đầu tư dự án “Bình Minh xanh thân thiện nhà nông”, xây dựng trung tâm sản xuất giống và chăn nuôi đà điểu với mục đích cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, cung cấp giống và hướng dẫn chuyển giao công nghệ chăn nuôi cho nông dân. Hiện chị đã đầu tư trên 50 tỷ đồng, trên 10ha tại khu Tử Lạc, thị trấn Minh Tân, nuôi trên 500 con đà điểu, trong đó trên 200 con đà điểu sinh sản… Ngoài làm kinh tế giỏi, chị còn góp trên 500 triệu đồng làm đường trong thôn, ủng hộ 2.500m2 cát đá…, hơn 150.000 triệu đồng thăm, tặng quà 120 gia đình CCB nghèo…
Mô hình đồ gỗ mỹ nghệ của hội viên Nguyễn Văn Thực, Hội CCB xã Thượng Quận cũng rất hiệu quả. Xuất ngũ về địa phương với bao khó khăn, nhưng sẵn có nghề mộc truyền thống của gia đình, anh quyết định nâng tay nghề tại một cơ sở đồ gỗ có tiếng ở Hà Nội 3 năm. Về quê, anh mở cửa hàng bán các sản phẩm như: cửa, giường, tủ, ghế… các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, giá cả phải chăng, nên hàng sản xuất đến đâu hết đến đó. Đến năm 2009, anh thành lập Công ty “TNHH MTV Tiến Thịnh Phát HD” tại thôn La Hán. Doanh số bán hàng ngày càng tăng, nếu năm đầu chỉ đạt 5-7 tỷ đồng, thì năm 2015 doanh số bán hàng của công ty đạt tới 35,4 tỷ đồng, lãi thu sau thuế đạt từ 3,5 tỷ đồng. Công ty ngày một phát triển, đã mua sắm ô tô để giao dịch, nhà xưởng trên 3.000m2. 18 công nhân lành nghề đều được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, được đóng BHYT, BHXH. Anh luôn chú trọng đến vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm, tiếng ồn, lương công nhân từ 4,5-9 triệu đồng/người/tháng… Ngoài ra công ty còn trích quỹ phúc lợi ủng hộ gần 100 triệu đồng cho các quỹ nhân đạo, quỹ từ thiện và ủng hộ các phong trào của địa phương… Còn rất nhiều, rất nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được chia sẻ tại lễ tổng kết này và chúng tôi đều khâm phục các anh, các chị.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Phồn-Chủ tịch Hội CCB huyện Kinh Môn đọc quyết định tặng 13 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 1 triệu đồng, cho 13 hộ CCB... Đồng chí Trần Hưng Thịnh-Chủ tịch Hội CCB tỉnh đánh giá rất cao những mô hình, cách làm hay, đa dạng mà rất hiệu quả của Huyện hội và tin tưởng Hội CCB huyện Kinh Môn sẽ luôn giương cao ngọn cờ tiên phong, vượt qua mọi khó khăn thử thách cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân phấn đấu năm 2016 này sẽ hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới…
Bài và ảnh: Thúy Hương