Tôi may mắn được dự buổi giao lưu vào giữa những ngày cả nước Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2015 (ảnh).
Ngay từ sớm hội trường Nhà văn hóa huyện đã rực rỡ bởi những cờ, hoa, băng rôn - khẩu hiệu, những huân, huy chương lấp lánh trên ngực, những cái ôm, cái bắt tay không rời, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của gần 300 hội viên CCB, ĐVTN và nhân dân địa phương. Mở đầu buổi Giao lưu là những ca khúc cách mạng của CCB và thanh niên huyện nhà với khí thế của một thời sục sôi chiến đấu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” làm nóng cả hội trường.
Đúng vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng chục vạn thanh niên huyện Kinh Môn đã hăng hái xung phong lên đường tham gia vào các đơn vị TNXP, bộ đội… rồi tỏa đi chiến đấu khắp các chiến trường. Mồ hôi, công sức, máu của các anh chị đã góp phần vào ngày toàn thắng này…
Đại tá Nguyễn Ngọc Liệu, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 249 Anh hùng, thuộc BTL Công binh, hội viên CCB thị trấn Minh Tân xuất hiện trên sân khấu trong tiếng vỗ tay không dứt cùng hàng ngàn ánh mắt háo hức dõi theo. Ông đã đưa mọi người trở về chiến trường xưa với những trận đánh ác liệt, với 81 ngày đêm chiến đấu chiếm lại Thành cổ Quảng Trị, với diện tích chưa đầy 20ha mà Mỹ đã ném xuống 328 ngàn tấn bom, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945… Trong 81 ngày đêm đó, chúng ta đã chiến thắng, nhưng hàng ngàn chiến sĩ đã hi sinh chưa lấy được hài cốt, bom đạn, xương máu các anh đã quyện với gạch đá đổ nát…
Chuyện của CCB Nguyễn Thắng Đấy, thuộc Sư đoàn 325A với trận đánh công kiên vào cứ điểm Phủ Cũ, tỉnh Bình Định thật cam go. Cứ điểm này có hai đại đội lính ngụy chốt giữ, giám sát sự đi lại của nhân dân Gia Lai, Công Tum, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Bình Định, làm tổn thất nhiều cho dân công, TNXP, bộ đội hoạt động trên tuyến đường. Nắm được tình hình trên, Mặt trận đã giao cho Sư đoàn 325A tham gia đánh trận này… Sau nhiều ngày nghiên cứu, mật phục, tìm tòi kỹ lưỡng và với 3 giờ đồng hồ chiến đấu ác liệt, ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm này…
Hay chuyện làm đường của CCB Phùng Văn Nhí, TNXP 329 làm người nghe thật khâm phục. Trong 4 năm anh tham gia làm Đường 9 Nam Lào và đường 14A (đường Hồ Chí Minh lịch sử). Vừa đánh giặc, vừa làm đường chỉ với ý chí, với dao, cuốc xẻng và với quyết tâm: “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông thì không thể tắc”.
Cả hội trường như lặng đi khi anh kể, trong một trận máy bay địch oanh tạc, một chị TNXP bị thương nặng, khi tỉnh lại chỉ hỏi một câu “Đường thông chưa anh?”. Anh trả lời: “Đường thông rồi”. Chị mỉm cười và thanh thản hi sinh…
Lê Văn Đôn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bạch Đằng phát biểu trong buổi giao lưu: “Các bác, các chú chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, ác liệt quá mà kẻ thù thì mạnh hơn chúng ta gấp trăm nghìn lần. Nhưng ở câu chuyện nào chúng cháu cũng thấy ngời sáng tinh thần sẵn sàng chiến đấu, quyết chiến quyết thắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nối tiếp truyền thống đó chúng cháu quyết đem “Ý chí quyết chiến quyết thắng” vào các phong trào của địa phương, hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự và cùng các bác xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp”…
Đồng chí Nguyễn Hữu Phồn, Chủ tịch Hội CCB huyện Kinh Môn cho tôi biết: “Các cháu ĐVTN trong huyện đã tham gia phong trào địa phương rất tích cực. Ví dụ như xã Bạch Đằng, là một xã tuy không được chọn làm điểm để xây dựng NTM giai đoạn (2011-2015), nhưng đến cuối năm 2014 bằng chính cố gắng của mình, xã đã đạt 19/19 tiêu chí và trở thành 1/13 xã đầu tiên của tỉnh về đích trong xây dựng NTM năm 2014. Đó là sự tham gia đồng bộ tích cực của Hội CCB, ĐTN, nhân dân đã cùng đóng góp hơn 60 tỷ đồng, hiến 50.000m2 đất, hiến ruộng để làm đường nông thôn, đường nội đồng để xây dựng NTM”… Phải chăng nhờ những buổi giao lưu truyền thống như hôm nay đã khiến hai thế hệ “già - trẻ” quyện thành một khối thống nhất hành động để nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, để Kinh Môn phát triển như hôm nay.
Một việc làm tình nghĩa khiến mọi người hết sức bất ngờ, xúc động. Đó là Hội CCB huyện tổ chức tặng quà cho 13 CCB có hoàn cảnh khó khăn trong huyện. Những món quà nặng nghĩa nặng tình, mong phần nào giảm bớt khó khăn cho các CCB. Đúng như đồng chí Trần Hưng Thịnh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hải Dương khẳng định: “Cuộc giao lưu truyền thống này là một trong những việc làm ý nghĩa của Hội CCB huyện, nó đã khơi dậy và làm sâu sắc thêm sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quyết chiến quyết thắng trong kháng chiến cũng như trong hòa bình”.
Bài và ảnh:THUÝ HƯƠNG