Hội CCB huyện Đô Lương: Mô hình phường “Đồng đội giúp nhau” (22/11/2012)

Tính đến tháng 10-2012, toàn huyện đã hình thành được 233 phường, với số tiền đóng góp trên 700 triệu đồng/tháng. Hằng năm, ngoài vay vốn qua kênh ngân hàng thì mô hình đã thực sự đi vào hoạt động có hiệu quả, tác dụng tốt trong việc tạo điều kiện cùng nhau làm kinh tế, góp phần vào thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Hà Văn Hảo, Chủ tịch Hội CCB huyện Đô Lương cho biết: Căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa bàn hoạt động, đã có nhiều Hội CCB xã hình thành từ 2 đến 3 phường ĐĐGN. Mức đóng góp, tùy theo khả năng kinh tế của từng hội viên để vận dụng các hình thức đóng góp bằng tiền mặt hoạt các loại vật chất, hướng đến phục vụ các hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay vốn làm kinh tế, hoặc hội viên có nhu cầu giải quyết công việc và giúp đỡ các em học sinh nghèo hiếu học, sinh viên học nghề, giới thiệu việc làm... Sau hơn 3 năm thực nghiệm, thấy cách làm hiệu quả, tác dụng tốt với phong trào, Hội CCB huyện tổ chức xây dựng thành mô hình, phát triển nhân rộng trong toàn Huyện hội và thực hiện tiêu chỉ phấn đấu đến năm 2013 có 70% số chi hội có phường ĐĐGN.

Hoạt động của phường ĐĐGN đã thực hiện được các nội dung là chủ động tạo được nguồn kinh phí, cho hội viên vay vốn không tính lãi suất, duy trì các mối quan hệ cộng đồng xã hội với Hội CCB, trách nhiệm hội viên với thực hiện phong trào thi đua của Hội gắn với phong trào tại địa phương. Trích từ 20-30% trong quỹ phường ĐĐGN góp vào quỹ Hội, lấy đó tổ chức hoạt động nhân dịp ngày thành lập Hội CCB Việt Nam (6-12) hoặc luân phiên cho hội viên đi tham quan, thăm lại chiến trường xưa… Những năm qua, thông qua hoạt động này đã giúp cho hàng trăm hội viên tạo nên các hình thức, cách làm hiệu quả, nhất là tập trung vào hộ hội viên nghèo và hội viên là đối tượng có thẻ BHYT, nhưng không hưởng chế độ (quân nhân tham gia trước ngày 30-4-1975 không hưởng chế độ theo Nghị định 142). Hiện nay, đối tượng này có 2.151 hội viên, phường đã ưu tiên cho vốn vay và kiểm tra định hướng mô hình, cách làm kinh tế nhằm phù hợp vào điều kiện cụ thể từng vùng và khả năng hoạt động. Theo đó, hằng năm, Huyện hội đều tổ chức hội nghị “đầu bờ” truyền đạt kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, cách làm kinh tế của tổ hợp tác, cách chuyên doanh, sản xuất.

Thực hiện phương châm “Học tập, rút kinh nghiệm đi đôi với kiểm tra hiệu quả hoạt động”, cái được tiếp tục phát huy, quan tâm hỗ trợ đầu tư; cái còn hạn chế thì đề ra chí tiêu khắc phục, nếu không được thì dừng lại, không để phát sinh hậu quả. Vì vậy, qua thẩm định, bình xét hằng năm, trong tổng số 904 CCB làm kinh tế giỏi của Huyện hội, thì chiếm tỷ lệ khá cao các hội viên là đối tượng theo Nghị định 142. Trong số 96 hộ hội viên không có khả năng tự xóa nghèo, Hội đã có kế hoạch phân công trách nhiệm cho các phường ĐĐGN quan tâm giúp đỡ; đồng thời vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức, phấn đấu đến năm 2017 xóa hết hộ CCB nghèo trong huyện.

Bài và ảnh: Nhân Mùi