HỘI CCB CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Phát triển từ hoạt động vay vốn xóa đói, giảm nghèo (28/04/2011)
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng châu thổ rộng lớn, phì nhiêu ở vùng Đông Nam Á, là vùng đất có nhiều thế mạnh về tiềm năng phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp và cây ăn trái nhiệt đới; với diện tích gần 40.000km2, bờ biển dài 700km, có vùng kinh tế đặc quyền 360.000km2, dân số gần 18 triệu người, GDP hàng năm đứng thứ ba cả nước (sau miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng). Hội CCB các tỉnh khu vực ĐBSCL đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao đời sống xã hội, thu được nhiều kết quả to lớn trong phong trào “Giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giầu chính đáng”; đặc biệt là hoạt động ủy thác vay vốn từ Ngân hàng CSXH.
Huy động tổng lực để xóa đói, giảm nghèo
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với ĐBSCL để phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân; trong đó, cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của CCB, với việc làm kinh tề, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo (XĐGN) cho CCB và gia đình chính sách; đồng thời được sự giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trong việc vay vốn tín dụng ưu đãi và trong công tác XĐGN tại địa phương. Các cấp Hội và hội viên nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc tham gia xóa đói giảm nghèo cho CCB và gia đình chính sách, trong việc thực hiện ủy thác của Ngân hàng CSXH đối với hoạt động tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
ĐBSCL có trên 248.600 hội viên CCB, trong đó có rất nhiều CCB đã trải qua chiến đấu, vững vàng bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, dám nghĩ dám làm, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Với quyết tâm ấy, trong 5 năm trở lại đây (2005-2010), tỷ lệ hộ CCB nghèo trong khu vực đã giảm xuống còn 4,4%, đứng thứ hai sau khu vực đồng bằng sông Hồng. Số hộ vươn lên khá và giầu chiếm tỷ lệ 46,90%, đã tạo được việc làm thêm cho trên 27.200 lao động là CCB và con em CCB, gia đình chính sách (chỉ tính riêng 1.486 tổ hợp tác, đã tạo việc làm cho 16.973 lao động), xóa được 5.859 nhà tạm, dột nát cho CCB; trong đó nhiều địa phương xóa được nhà tạm, nhà dột nát cho CCB như các tỉnh Cà Mau, Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu... Số tiền dư nợ vay vốn, ủy thác qua Hội CCB các tỉnh ĐBSCL tính đến cuối năm 2010 đã đạt gần 1.800 tỷ đồng (bằng 16,21% so với CCB trên cả nước)
Để có được kết quả như trên, đã có những nỗ lực, cố gắng của các cấp Hội và hội viên CCB. Kết quả hoạt động ủy thác trong thời gian qua giữa Ngân hàng CSXH và Hội CCB các cấp là việc làm đúng, thực hiện chủ trương xã hội hóa kênh tín dụng chính sách, huy động tổng lực cùng tham gia XĐGN, phương thức ủy thác vay vốn đã phát huy được nhiều điểm mạnh, của một bên là ngân hàng tổ chức trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay vốn và thu hồi vốn vay; một bên là tổ chức Hội, có mạng lưới ở tất cả các địa bàn, cùng góp sức tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người vay, bình xét cho vay, hướng dẫn, giám sát sử dụng vốn và vận động đôn đốc hoàn trả vốn, tạo đựoc cơ chế liên kết hiệu quả giữa ngân hàng - tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, cùng thực hiện mục tiêu XĐGN. Thông qua hoạt động ủy thác, tổ chức Hội CCB các cấp có điều kiện thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội, quan tâm hơn đến đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của hội viên, góp phần nâng cao đời sống xã hội.
Còn nhiều khó khăn từ ủy thác vốn vay
Những khó khăn chung của nền KTXH vùng ĐBSCL trong những năm gần đây, như biến đổi khí hậu nặng nề, gây thiên tai lũ lụt thất thường, mật độ đường giao thông còn thấp, tỷ lệ lao động có tay nghề thấp (chỉ đạt 13,4% - so với cả nước là 21,2%); tỷ lệ GDP liên tục giảm so với cả nước... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế, XĐGN. Trong đó, hoạt động vay vốn, XĐGN của CCB cũng còn tồn tại nhiều điều cần phải suy nghĩ. Đó là nhiều cơ sở Hội chưa nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách mới về tín dụng và quy định của ngân hàng chưa được thực hiện tốt, chưa kịp thời ở tất cả các địa bàn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa và ở một số địa phương do trình độ cán bộ Hội còn hạn chế; một số cơ sở Hội ở nhiều địa phương, trong quá trình củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tách ghép tổ theo từng khóm, ấp dẫn đến có sự xáo trộn về địa bàn quản lý và tổ TK&VV, gây khó khăn, lúng túng trong quản lý và chỉ đạo đối với cấp Hội, vì vậy dẫn đến chất lượng tổ TK&VV không đảm bảo; việc xét cho vay vẫn còn hiện tượng chia đều xẻ mỏng (bình quân 8,6 triệu đồng/hộ) nên chưa đủ để CCB nghèo có điều kiện đầu tư, đáp ứng số lượng và chu kỳ, thời vụ sản xuất, dẫn đến hiệu quả thấp, trong khi đó nợ quá hạn lại cao, chiếm tỷ lệ 1,98%, cá biệt có tỉnh chiếm tỷ lệ 5,88% (bình quân cả nước là 0,92%), đặc biệt có 6/13 tỉnh để xảy ra xâm tiêu, chiếm dụng vốn của Ngân hàng CSXH, mặt khác một số cơ sở Hội sợ trách nhiệm, không mạnh dạn đề xuất mức vay cho CCB; bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ở một số nơi chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, kịp thời nên chất lượng tín dụng chưa cao.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đồng thời phát huy mọi tiềm năng thế mạnh và những kết quả đã đạt được, đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo bền vững cho CCB, nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH cho hoạt động của CCB nói chung, cũng như đối với hoạt động Hội CCB khu vực ĐBSCL nói riêng, Nghị quyết Ban chấp hành T.Ư Hội lần thứ 6 (khóa IV) đã nêu rõ: “Thực trạng những khó khăn và tồn tại nêu trên của CCB khu vực ĐBSCL đang là những suy nghĩ, trăn trở, bức xúc của các cấp Hội và hội viên, đòi hỏi chúng ta cần rút kinh nghiệm, tìm hiểu rõ nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ và giải pháp, biện pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của từng tỉnh, thành phố và khu vực để chỉ đạo CCB làm kinh tế đạt được hiệu quả cao, xóa nghèo nhanh, vững chắc, vươn lên làm giầu hợp pháp, tham gia phát triển KTXH tại địa phương. Cố gắng hạn chế tái nghèo, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ IV sẽ không còn hộ CCB nghèo, đồng thời tăng cao hộ giầu”.
Bài và ảnh: VŨ XIÊM