Nhân Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7) hằng năm, toàn Đảng, toàn dân có điều kiện nhìn lại những việc đã làm để “Đền ơn đáp nghĩa” thương binh, liệt sĩ. Có rất nhiều hoạt động tri ân diễn ra với sự thành kính, biết ơn những người đã ngã xuống. Không phải chỉ trong dịp này, Đảng, chính quyền và nhân dân mới tưởng nhớ, mới tri ân những người có công với nước mà đây là hoạt động thường xuyên của cả cộng đồng. Đảng có chủ trương, Nhà nước có chính sách quy định chế độ cụ thể đối với những người có công, những Mẹ VNAH, những gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và các nạn nhân chất độc da cam... Tuy nhiên, mỗi năm ít nhất ba lần có những hoạt động tri ân cao điểm là Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7); Cách mạng Tháng Tám; Quốc khánh 2-9 và nhất là dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Năm nay, kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, mặc dù kinh tế đất nước còn gặp không ít khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và toàn xã hội vẫn luôn quan tâm và không ngừng đẩy mạnh, mở rộng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; hoàn thiện, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ gia đình và người có công với nước. Nhân ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), Chủ tịch nước có Quyết định 1426/QĐ-CTN tặng quà các đối tượng có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ với hai mức: 400.000 đồng và 200.000 đồng. Cũng vào dịp này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Bà mẹ VNAH, các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh trong cả nước... Bên cạnh đó, các địa phương, bộ, ngành, đoàn thể đã dành kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội để triển khai kịp thời, hiệu quả, qua đó đem lại hơi ấm nghĩa tình cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, tạo niềm tin về sự chăm lo, trợ giúp của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của họ vì độc lập, tự do của dân tộc.
Dù đã có nhiều cố gắng của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nhưng vẫn còn một bộ phận người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách dành cho người có công còn hạn chế, bất cập; có nơi chưa được quan tâm đúng mức... Từ thực tế này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với những người có công trong các thời kỳ lịch sử của đất nước. Khẩn trương giải quyết những vướng mắc, kịp thời trong thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công. Đẩy mạnh, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Động viên, khuyến khích cả cộng đồng tích cực, chủ động tham gia chăm sóc, người có công bằng những việc làm thiết thực. Tạo điều kiện thuận lợi giúp các gia đình chính sách vượt qua khó khăn, tự chăm lo đời sống của bản thân và gia đình. Tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công, động viên, khen thưởng xứng đáng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác này.
Bài và ảnh: Anh Hoàng