Hơi ấm gia đình
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM động viên, thăm hỏi trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19. Ảnh: hcmcpv.org.vn
Thương xót quá. Chỉ riêng T.P Hồ Chí Minh đợt dịch thứ tư này đã cướp đi cha mẹ của hơn 1.500 cháu. Đẩy các cháu vào cảnh mồ côi!
Nhưng cũng mừng quá. T.P Hồ Chí Minh đang chỉ đạo khẩn, ra chính sách chăm lo cho các cháu. Cả trong cộng đồng, cũng có rất nhiều những tấm lòng nhân ái nhận nuôi các cháu. Điển hình như Tập đoàn FPT. Ngày 16-9, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn công bố sẽ xây, thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 cháu đến tuổi trưởng thành. Thậm chí ông còn nói đại ý: Ngôi trường sẽ là nơi “ươm mầm, đón nhận” những tài năng từ các cháu...
Lãnh đạo UBND T.P Hồ Chí Minh khá thận trọng trong việc gửi các cháu đến các nơi nuôi dưỡng. Thành phố sẽ tham khảo ý kiến, làm việc với những tổ chức, cá nhân có tâm nguyện để xây dựng chính sách cụ thể chăm lo các cháu chu đáo, không chỉ hôm nay, mà còn tương lai sau này của các cháu.
Sẽ có nhiều mô hình nuôi dưỡng các cháu, như gia đình tự nuôi dưỡng; các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm tình thương, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tôn giáo... Tuy nhiên, mô hình hiệu quả nhất, lâu dài nhất, bền vững nhất vẫn là gia đình nuôi dưỡng các cháu bằng một khoản tiền trợ cấp của Nhà nước do Ngành LĐTBXH vừa tiếp nhận, vừa quản lý, cấp phát phù hợp với từng đối tượng.
Nhiều ý kiến cho rằng phải rất thận trọng khi tập trung các cháu vào một trường, một lớp. Nhất là tập trung tới 1.000 cháu vào một trường, nuôi dạy hằng chục năm, như ý tưởng của Tập đoàn FPT là rất khó trở thành hiện thực. FPT có thể giúp đỡ các cháu bằng nhiều hình thức khác hiệu quả hơn.
Các cháu ở với gia đình, họ hàng thân thích, hàng xóm láng giềng, bà con lối phố có thể chưa thật được chăm sóc đầy đủ như ở các trung tâm, nhưng dù sao các cháu vẫn có “hơi ấm gia đình” hơn, lại sớm được thử thách và sống thực với hoàn cảnh của mình để vào đời.
Trừ các cháu có hoàn cảnh thật đặc biệt, không còn nơi nương tựa thì thành phố lo cho các cháu, nhưng phải căn cứ vào hoàn cảnh từng cháu để tìm mô hình nuôi dưỡng phù hợp.
Sẽ là chủ quan duy ý chí và không thành công, nếu “nhốt” chung các cháu vào một chỗ.
Huy Thiêm