Học viện hải quân huấn luyện thực hành trên tàu buồm 286: Mục tiêu của học viên ngay từ đầu năm học
Kíp học viên thực hành huấn luyện trên tàu 286.
Trong 3 năm qua, trên tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn, thầy và trò Học viên Hải quân đã thực hiện thành công những chuyến huấn luyện đường dài. Kết quả đó là sự nỗ lực lớn của cán bộ, học viên trong tiếp cận làm chủ những con tàu hiện đại. Vậy tàu 286 Lê Quý Đôn có ưu điểm gì vượt trội? Những chuyến huấn luyện đó đem lại hiệu quả ra sao? Học viên phải có những nỗ lực thế nào từ đầu năm học, khó học mới đủ điều kiện tham gia những chuyến huấn luyện ý nghĩa như vậy? Phóng viên (PV) Báo CCBV Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Đức Nam - Phó giám đốc Học viện Hải quân.
PV: Thưa đồng chí Phó giám đốc, tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn là phương tiện huấn luyện hiện đại của Học viện Hải quân. Đồng chí có thể chia sẻ về những đặc tính vượt trội của con tàu này và những yêu cầu đối với thủy thủ khi huấn luyện trên đó?
Đại tá Nguyễn Đức Nam: Tàu 286 Lê Quý Đôn là phương tiện huấn luyện xa bờ của Hải quân nhân dân Việt Nam (NDVN), là một trong những tàu buồm hiện đại nhất của thế giới hiện nay. Tàu được đóng tại Cộng hòa Ba Lan, có chiều dài là 67m, rộng 10m, lượng giãn nước là 857 tấn; được trang bị hệ thống điện tử, hệ thống hàng hải, hệ thống động lực rất hiện đại. Tàu có 3 cột buồm cao 41,4m; 21 cánh buồm với tổng diện tích1.400m2. Tàu có khả năng hoạt động được trong nhiều điều kiện thời tiết phức tạp. Để điều khiển cánh buồm này, có đến 180 dây các loại, người thủy thủ phải rất thành thạo việc sử dụng các dây đó và phải có khả năng hoạt động trên độ cao 41,5m. Quá trình thao tác chuẩn xác phải hoàn toàn dùng sức bằng tay. Họ còn phải có ngoại ngữ để tham gia huấn luyện với người nước ngoài và giao lưu với hải quân các nước trong khu vực.
PV: Thưa đồng chí, với một phương tiện hiện đại như vậy thì công tác huấn luyện làm chủ của kíp tàu buồm chắc hẳn rất công phu và có những yêu cầu rất cao?
Đại tá Nguyễn Đức Nam: Vâng, đúng như vậy. Để huấn luyện làm chủ tàu buồm, chúng tôi lựa chọn 10 giảng viên và 30 thủy thủ từ Học viện Hải quân và các đơn vị trong Quân chủng Hải quân về Nha Trang (Khánh Hòa) vừa học ngoại ngữ, vừa thực hành huấn luyện trên cột buồm mà chúng tôi chế tạo ra, làm quen với làm việc trên độ cao, sau đó di chuyển sang Ba Lan để huấn luyện làm chủ và đưa con tàu từ Ba Lan về Nha Trang. Về nước, chúng tôi tiếp tục huấn luyện đồng thời nhiều nội dung để khai thác các trang bị vũ khí, hệ thống động lực hiện đại trên tàu cùng với huấn luyện khai thác sử dụng buồm. Để khai thác sử dụng buồm, đầu tiên phải huấn luyện trên xuồng buồm là một cái tàu buồm thu nhỏ. Trên tàu có hai xuồng buồm như thế, phải khai thác sử dụng để đưa xuồng buồm hoạt động trên biển; sau khi quen rồi mới huấn luyện thực tiễn điều khiển con tàu bằng buồm theo từng cấp độ một. Cho đến hiện nay, kíp thủy thủ đã hoàn toàn làm chủ con tàu. Bằng chứng là ba chuyến đi biển đường dài an toàn tuyệt đối đã thể hiện khả năng làm chủ khí tài.
PV: Bên cạnh đó, trong những chuyến thực hành huấn luyện đường dài trên tàu buồm 286 thì các cán bộ của lực lượng Hải quân cũng như thầy và trò Học viện Hải quân đã góp phần vào công tác đối ngoại và hợp tác quốc phòng ra sao, đặc biệt là với Hải quân các nước trong khu vực?
Đại tá Nguyễn Đức Nam: Từ năm 2017 đến nay, thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tàu buồm 286 Lê Quý Đôn đã chở 3 đoàn cán bộ và học viên đi huấn luyện đường dài, kết hợp thăm và giao lưu với Hải quân các nước trong khu vực. Chúng tôi xác định, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Học viện Hải trong kế hoạch quân sự hằng năm. Vừa huấn luyện thực hành tổng hợp cho học viên năm cuối, vừa góp phần tăng cường mối quan hệ hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân các nước trong khu vực. Tạo môi trường hòa bình ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực. Đồng thời khẳng định trình độ khai thác làm chủ trang bị vũ khí hiện đại và tích lũy thêm kinh nghiệm các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế của Học viện Hải quân. Những chuyến huấn luyện đường dài trên tàu này đã cho chúng tôi nhiều kết quả và bài học kinh nghiệm quý. Đó là nâng cao khả năng chỉ huy hiệp đồng; thao tác sử dụng vũ khí trang bị trên tàu; xử lý các tình huống trên các vùng biển quốc tế, thực hành các nguyên tắc chào nhau giữa các tàu của Hải quân các nước gặp nhau trên biển, bộ quy tắc ứng xử khi gặp nhau bất ngờ trên biển.
PV: Để được tham gia những chuyến huấn luyện đường dài có ý nghĩa như thế, học viên của Học viện Hải quân cần phải phấn đấu như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Đức Nam: Để được tham gia các chuyến huấn luyện đi biển đường dài trên tàu 286 Lê Quý Đôn, học viên phải xác định động cơ và nỗ lực ngay từ đầu khóa học, năm học và phấn đầu suốt trong quá trình học tập để đạt kết quả về chuyên ngành tốt, ngoại ngữ tốt; gắn với việc rèn luyện. Đó cũng là động lực để thôi thúc mỗi học viên có kế hoạch, mục tiêu phấn đấu đạt kết quả học tập cao.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hạnh Phương (thực hiện)