HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH: Kỷ niệm về một bài ca (17/12/2010)
Mặc dù tuổi của các chị đều đã xế chiều, mái tóc đã hoa râm, nhưng trong tâm trí của họ đều có những kỉ niệm sâu sắc về bốn câu thơ của Bác Hồ tặng TNXP (khi Bác đến thăm phân đội 312 làm nhiệm vụ mở đường ở Nà Cù - Bắc Cạn năm 1953). Bốn câu thơ đó là:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bốn câu thơ trên đã được phổ nhạc thành bài hát và sau này trở thành bài ca chính thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Chị Nguyễn Thị Kiểu kể lại: Bốn câu thơ của Bác với tiểu đội nữ TNXP thuộc đơn vị C6-D71, thuộc Đoàn 559, làm cho nhiệm vụ mở đường ở Cự Nẫm - Đồng Hới (Quảng Bình) thì chúng tôi chẳng bao giờ quên được. Ngày 18-11-1972, một ngày cật lực chống chọi với các loại bom phá, bom bi, bom từ trường của máy bay giặc Mỹ để đảm bảo thông đường cho các chuyến xe chở quân và hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc này ai cũng cảm thấy mệt nhoài, nhưng thật kì lạ, đêm hôm đó bầu trời thật yên tĩnh, lũ máy bay do thám OV10 cũng không thấy hoạt động. Cả tiểu đội ngồi quay quanh chiếc đài bán dẫn của đại đôi vừa mượn, vừa nghe tin tức vừa nghêu ngao hát bài “Thanh niên làm theo lời Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hà. Dù chưa hay, chưa đều nhưng mọi người vẫn hát say mê, hát như quên đi nỗi mệt nhọc, quên đi cái chết như rình rập bất cứ lúc nào. Có lẽ vì thế mà bộ đội và TNXP có khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”?
Tôi nhớ lúc đó vào khoảng gần 21 giờ, bỗng tiếng kẻng báo động của đại đội vang lên, mọi người chưa kịp chạy về lán thì hàng loạt chớp lửa đã lóe lên kèm theo những tiếng nổ đinh tai, đất đá bay mù mịt. Dứt tiếng bom chúng tôi lao ra mặt đường, vừa làm vừa động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để thông đường ngay trong đêm nay, vì chiến trường đang cần kíp lắm rồi. Lúc này cả tiểu đội không ai nói với ai câu nào, chỉ có tiếng cuốc xẻng va vào sỏi đá khô khốc và tiếng thở gấp gáp của mọi người. Bất chợt, cái Hoa, cô em út của tiểu đội, năm nay mới 17 tuổi, vừa làm vừa khe khẽ hát: “Đi lên thanh niên, có ngại ngần chi, đi lên thanh niên, làm theo lời Bác, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.
Trong cái khoảnh khắc căng thẳng của chiến tranh, giọng hát của cái Hoa khiến chúng tôi quên đi nỗi mệt nhọc, quên đi thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng rồi tiếng kẻng báo động lại đột ngột vang lên, lệnh của đại đội phải vào hầm trú ẩn. Chúng tôi chỉ kịp lao vào chiếc hầm chữ A nằm khuất sau ta-luy đường thì đã nghe thấy hàng loạt tiếng bom chát chúa, chiếc hầm trú ẩn rung lên bần bật. Tôi cố ý đẩy Hoa ngồi vào trong còn tôi nhận ngồi ngoài cửa hầm, nếu có làm sao thì Hoa vẫn còn may mắn hơn.
Ngoài tôi và Hoa, trong hầm còn có Thắm, người Vĩnh Phúc; Hải, quê Nam Định. Chúng tôi đều là con gái mới lớn lên và chưa có gia đình. Nhưng trong trái tim mỗi người đều có một nửa bên kia để luôn thổn thức đợi chờ những người chiến đấu ở phương xa.
Đang mải suy nghĩ, tôi bỗng thấy một ánh chớp sáng lòe, căn hầm chao đảo, từ đó tôi không còn nhận biết gì nữa. Cho tới khi mở mắt tỉnh lại, tôi đã thấy mình nằm điều trị tại một đội phẫu tiền phương. Mãi sau này tôi mới biết một quả bom của giặc Mỹ nổ chỉ cách hầm chúng tôi 5-7m, tôi bị hất văng ra xa và ngất đi, còn lại ba đứa Hải, Thắm, Hoa đều đã hi sinh. May mà đơn vị tìm thấy tôi ngất lịm bên mô đất vừa bị bom giặc cày xới, dù bị nhiều vết thương ở đầu, vai, lưng nhưng may mắn hơn là còn được sống. Chiến tranh kết thúc, tôi được chuyển ngành rồi xây dựng gia đình và trở về địa phương sinh sống. Tôi vẫn không sao quên được đôi mắt đẹp, long lanh của Hoa, nhớ câu hát của nó trước lúc hi sinh “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền”. Câu hát đó cứ sống mãi trong tôi, như một lời nhắn nhủ hãy cố gắng vươn lên để sống cho xứng đáng với đồng đội, với những người thân yêu của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Còn chị Tống Thị Đăng thì kể lại: Hồi đó đơn vị TNXP của chị làm nhiệm vụ mở đường Thạch Kiệt - Thu Cúc - Tân Phú (thuộc địa bàn Thanh Sơn - Phú Thọ). Nhưng chị lại được đơn vị phân công làm giáo viên dạy văn hóa cho anh chị em. Công việc không vất vả lắm, ngoài giờ lên lớp, chuẩn bị giáo án, thời gian còn lại, chị hay xuống nhà ăn giúp chị em nuôi quân nhặt rau, rửa bát. Lúc rỗi rãi, chị lại xuống các thôn bản xung quanh để tìm hiểu thêm phong tục tập quán của đồng bào nơi đây. Trong một lần đi địa bàn, chị đã là quen và đem lòng yêu anh bộ đội lái xe Vũ Văn Ngọc, quê ở xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Tình yêu của người lính với cô TNXP thật giản dị, nhưng cũng vô cùng đằm thắm như cánh hoa rừng. Tình yêu ấy còn được anh em trong hai đơn vị hết lòng vun đắp, mong đến ngày đơm hoa kết trái. Nhưng rồi đơn vị anh đột ngột có lệnh hành quân vào chiến trường. Hôm chia tay cả hai đơn vị tổ chức đêm lửa trại. Ngồi bên cạnh anh, tựa đầu vào đôi bờ vai ấm áp của anh, mà chị chẳng nói nên lời. Tới khi đơn vị giới thiệu tên anh lên hát, anh gỡ chiếc khăn quàng của mình, nhẹ nhàng khoác lên cổ chị. Anh đứng dậy lúng túng một lát rồi hát bài “Thanh niên làm theo lời Bác”, anh hát say sưa theo tiếng vỗ tay của đồng đội, tiếng hát cứ ngân vang cả một vùng quê trập trùng mây núi.
Anh đi rồi, chị ở lại công tác cho tới khi con đường được hoàn thành. Chị nằm trong số anh chị em TNXP được đi học rồi chuyển ngành. Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh Ngọc được ra quân, anh chị tổ chức lễ cưới rồi chị xin về quê để xây dựng cuộc sống. Có với nhau được ba mặt con, nhưng anh Ngọc chồng chị không may mắc bệnh hiểm nghèo và ra đi mãi mãi, để lại một mình chị chèo chống giữa muôn vàn khó khăn của thời kì bao cấp để nuôi con khôn lớn. Chị bảo: “Những lúc khó khăn nhất tưởng chừng sẽ gục ngã, bên tai tôi lại cứ nghe văng vẳng câu anh hát “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, thì tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh để đứng lên đối mặt với cuộc sống. May mà tất cả rồi cũng qua đi, tôi đã nuôi các con trưởng thành, trong đó có hai đứa đỗ đại học. Thương mẹ, các cháu đều chăm ngoan, biết trân trọng cuộc sống, nên vừa qua các cháu đã tiết kiệm tiền về xây cho mẹ ngôi nhà bốn gian to đẹp. Nhưng điều quan trọng hơn cả là tôi đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với người đã khuất, đúng với bài hát mà anh đã tặng nữ TNXP trước khi lên đường”… Được biết chị Đăng giờ đang là Chi hội trưởng Hội Cựu TNXP xã Chí Tiên, một đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua của Hội Cựu TNXP huyện Thanh Ba, năm 2009-2010.
Chia tay các chị, tôi như vẫn còn nuối tiếc vì những câu chuyện của các cựu TNXP, dù cho mỗi câu chuyện là một hoàn cảnh riêng biệt nhưng tất cả đều hướng về Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Thông qua bốn câu thơ Bác căn dặn lực lượng TNXP, các chị là nhân chứng sống để thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về kỷ niệm và sức sống mãnh liệt của một bài ca truyền thống.
Đỗ Mạnh Hùng