Theo đó, Luật Giáo dục ĐH áp dụng đối với các trường ĐH, CĐ, học viện, ĐH, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục ĐH tại Việt Nam.

Theo dự thảo, hệ đào tạo CĐ được thực hiện từ 1,5 năm đến 3 năm học; đào tạo ĐH được thực hiện từ 1,5 năm đến 6 năm học; đào tạo thạc sĩ được thực hiện từ 1,5 năm đến 2 năm học; đào tạo tiến sĩ được thực hiện từ 2 đến 4 năm học.

Thủ tướng Chính phủ quy định thời gian và hình thức tổ chức đào tạo đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục ĐH. Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định việc rút ngắn hoặc kéo dài thời gian đào tạo và việc học đồng thời hai chương trình.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH thành lập.

Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập trường CĐ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường ĐH, học viện, ĐH khi có Dự án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và các điều kiện khác theo quy định.

Dự thảo Luật đưa ra 3 nội dung giảng viên không được làm: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác; Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; Gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng; lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Dự thảo lần 2 gồm 9 chương với 49 điều quy định chi tiết thời gian đào tạo, chương trình giáo trình, quản lý nhà nước, tài chính đến các hành vi giảng viên không được làm, chính sách đối với người học...

Quỳnh Anh (TH)